Một số nước EU vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Nga

.

Dù phương Tây, trong đó chủ yếu là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã ban hành số lệnh trừng phạt chưa từng có trong lịch sử đương đại, nhưng Nga vẫn thúc đẩy kinh tế trụ vững, trong khi chính các nước tham gia trừng phạt, nhất là EU, cũng không thể cắt đứt hoàn toàn “sợi dây liên hệ” vốn có, đặt biệt là nguồn năng lượng dồi dào và giá rẻ của Nga để phục vụ lợi ích sống còn cho mình.

Công nhân đang làm việc tại cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất Tây Âu, thuộc sở hữu của Tập đoàn Gazprom (Nga). Ảnh: Joerg Sarbach/AP
Công nhân đang làm việc tại cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất Tây Âu, thuộc sở hữu của Tập đoàn Gazprom (Nga). Ảnh: Joerg Sarbach/AP

Đây là vấn đề khá gai góc, thậm chí xảy ra bất đồng sâu sắc trong nội bộ EU khi đề ra các chính sách hỗ trợ cho Ukraine lẫn các lệnh trừng phạt Nga trong những năm qua. AFP dẫn lời của đại diện các cơ quan kinh tế - năng lượng của Slovakia và Hungary cho biết, các nước này sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt năng lượng mà chống lại Nga vì nền kinh tế các nước này đã quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga và hiện không có giải pháp thay thế. Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik còn tuyên bố rằng nhà máy lọc dầu duy nhất của nước này là Slovnaft không thể chuyển ngay loại dầu từ Nga sang một loại dầu khác. Quá trình này đòi hỏi cần có sự thay đổi trong công nghệ và sẽ mất vài năm. Slovakia cho rằng nếu mua khí đốt ở nguồn khác sẽ khiến nước này phải trả thêm 220 triệu Euro (229 triệu USD) cho chi phí vận chuyển là điều không thể chấp nhận được.

Trong khi đó, Financial Times mới đây dẫn dữ liệu từ công ty phân tích hàng hóa Kpler cho hay, EU đã nhập khẩu 16,5 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga tính đến giữa tháng 12-2024, vượt qua con số 15,18 triệu tấn của năm ngoái và phá kỷ lục 15,21 triệu tấn vào năm 2022. Đáng chú ý, trước đó, dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cũng cho thấy, tháng 10-2024, dầu khí của Nga xuất khẩu sang Cộng hòa Czech tăng gấp đôi lên 185,9 triệu Euro từ mức 91,3 triệu Euro một tháng trước đó. Nguồn cung sang Hungary cũng tăng đáng kể, gấp 1,5 lần, lên 233 triệu Euro. Ngoài ra, Hà Lan tăng nhẹ nhập khẩu dầu từ Nga lên 60,7 triệu Euro từ mức 40,5 triệu Euro một tháng trước đó. Cũng theo Eurostat, lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga vào Slovakia trung bình đạt 448.680 tấn mỗi tháng trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2024.

Bước vào năm 2025, một số nước EU vốn phụ thuộc chủ yếu vào khí đốt của Nga cũng đang tìm mọi cách để bảo đảm nguồn cung khi tuyến vận chuyển khí đốt Nga-EU quá cảnh Ukraine bị Kiev chấm dứt hợp đồng vào ngày 31-12-2024. Trong bối cảnh đó, theo Reuters, việc Thủ tướng Slovakia Robert Fico đến Nga ngày 22-12 là chuyến thăm thứ ba của người đứng đầu chính phủ thuộc EU, sau chuyến thăm của Thủ tướng Áo Karl Nehammer vào tháng 4-2022 và Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào tháng 7-2023 tới Moscow kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra từ tháng 2-2022, để thảo luận về khả năng Nga tiếp tục cung cấp khí đốt trong thời gian tới cũng như tình hình liên quan cuộc xung đột hiện nay. Trên Facebook, ông Fico cho biết các quan chức cấp cao của EU đã được thông báo về chuyến đi tới Moscow của mình và nhấn mạnh hành động này là nhằm đáp lại những động thái của Ukraine nhằm phản đối việc trung chuyển khí đốt của Nga tới Slovakia.

Diễn biến đó càng cho thấy mối quan hệ chính trị-kinh tế giữa các bên liên quan có rất nhiều điều mâu thuẫn đan xen lẫn nhau không dễ dàng tháo gỡ. Để ủng hộ Ukraine, EU đã tung ra các lệnh trừng phạt rất nặng về dầu khí nhằm vào Nga, nhưng buộc phải để “ngỏ” cho một số thành viên tiếp tục nhập khẩu với số lượng không hề nhỏ, vì đó là lối thoát duy nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng không chỉ ở Slovakia, Hungary mà có thể toàn bộ khối. Trong khi đó, Ukraine muốn toàn bộ 27 thành viên EU ủng hộ mình và mở đường gia nhập liên minh này, nhưng lại “cấm cửa” dòng chảy năng lượng vốn là “nguồn sống” của nền kinh tế cũng như đời sống hằng ngày người dân các nước thành viên của khối này, nên dĩ nhiên sẽ có những phản ứng khác nhau và dẫn đến những hậu quả khó lường. 

Đáng chú ý, theo AP, Thủ tướng Hungary gần đây tiếp tục kêu gọi EU dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt Nga, nhấn mạnh rằng đây là giải pháp quan trọng để tránh một cuộc suy thoái kinh tế đang đến gần. Theo ông Orban, các biện pháp trừng phạt không những không mang lại hiệu quả như mong đợi mà còn đang “hành hạ” nền kinh tế châu Âu. Ông khẳng định, nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, giá cả sẽ giảm mạnh, lạm phát sẽ được kiềm chế, và nền kinh tế châu Âu sẽ hồi phục nhanh chóng. Còn về phía Nga, ông Artyom Studennikov, Vụ trưởng Vụ châu Âu của Bộ Ngoại giao Nga nói với Sputnik: “Chúng tôi sẽ không thiếu khách hàng. Điều thú vị về thị trường LNG là tính chất toàn cầu của nó. Khí hóa lỏng có thể đi khắp thế giới. Nhu cầu đang tăng trưởng đều đặn và những chân trời rộng lớn đang mở ra”.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.