Nạn buôn người tăng trên quy mô toàn cầu

.

Buôn bán người được Liên Hợp Quốc (LHQ) xác định là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm trên quy mô toàn cầu kể từ năm 2013. Trong những năm qua, tội phạm buôn bán người trên thế giới diễn ra ngày càng phức tạp do lợi nhuận khổng lồ, cao thứ ba sau buôn ma túy và vũ khí.

Đối tượng mà các tổ chức tội phạm nhằm tới không chỉ phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới. Phương thức, thủ đoạn buôn bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, có tổ chức rất chặt chẽ liên kết ở nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, từ khi mạng xã hội ra đời, Facebook và Instagram là 2 nền tảng được những kẻ lừa đảo sử dụng nhiều nhất để dụ dỗ trẻ em. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính phủ nhiều nước trong công tác đấu tranh chống tệ nạn này.

Theo báo cáo từ Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) được Reuters/Asiaone ngày 11-12 trích dẫn cho biết, số nạn nhân trong các vụ buôn bán người của năm 2022 có tổng cộng 69.627 người. Cũng trong năm 2022, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và nhiều nước khác phối hợp triển khai các chiến dịch truy quét tội phạm buôn bán người quy mô lớn bắt 8.064 đối tượng, trong số đó có 2.097 đối tượng bị kết án.

Đáng chú ý, trong số nạn nhân trong các vụ buôn bán người năm 2022 thì trẻ em chiếm 38%, tăng so với mức 35% vào năm 2020. Phụ nữ trưởng thành tiếp tục là nhóm nạn nhân lớn nhất, chiếm 39%, trong khi nam giới chiếm 23%, trẻ em gái chiếm 22% và trẻ em trai chiếm 16%.

Đối tượng mà các tổ chức tội phạm tập trung khai thác chủ yếu vẫn là phụ nữ và trẻ em gái, chiếm hơn 60%. Đối với nam giới và trẻ em trai, chủ yếu lao động cưỡng bức là hình thức khai thác phổ biến nhất, trong khi trẻ em trai cũng bị buôn bán để thực hiện các hành vi tội phạm bị ép buộc và ăn xin… Số liệu của UNODC cũng cho thấy số nạn nhân trong các vụ buôn bán người trên toàn thế giới năm 2022 tăng 25% so với năm 2019, trước Covid-19.

Theo LHQ, nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các vụ buôn bán người trong những năm gần đây là do tác động của các cuộc xung đột vũ trang ở các châu lục, thảm họa liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác trên toàn cầu làm cho tình trạng đói nghèo gia tăng nhanh chóng, làn sóng di cư lánh nạn, và tìm kiếm việc làm…

Đơn cử, khu vực Nam Sahara của châu Phi, Bắc Phi và Tây - Nam Âu ghi nhận sự gia tăng đáng kể số nạn nhân so với các khu vực khác. Số nạn nhân đến từ khu vực Nam Sahara của châu Phi chiếm phần lớn với cái chết đau thương của hàng ngàn người trên vùng biển Địa Trung Hải.

Ở khu vực Bắc Mỹ, tình trạng buôn bán người diễn ra rất nghiêm trọng. Năm 2022, Chính phủ Mỹ và Guatemala hợp tác triệt phá mạng lưới buôn bán người có liên quan đến cái chết của 53 người di cư từ Mexico, Guatemala và Honduras được tìm thấy trong một chiếc xe đầu kéo bị bỏ không, với hệ thống điều hòa không khí hỏng khiến họ thiệt mạng.

Có thể nói buôn bán người là loại tội phạm vô cùng nguy hiểm gây ra bi kịch nghiêm trọng cho con người, là nỗi ám ảnh cho dư luận tiến bộ. Trong thông điệp được đưa ra nhân ngày Thế giới phòng chống mua, bán người hằng năm vào tháng 7-2024, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định: “Mua bán người là tội ác khủng khiếp nhằm vào những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Chúng ta cần tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta, đó là trẻ em”, CNN trích dẫn.

Theo Reuters, phát biểu tại phiên họp thường niên Đại hội đồng LHQ tháng 9-2024, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nhấn mạnh, vấn đề của các nước Nam bán cầu cũng là vấn đề của các nước Bắc bán cầu và ngược lại, đồng thời kêu gọi hình mẫu hợp tác hoàn toàn mới, bảo đảm quyền của hàng chục nghìn người dân đang phải đối mặt với hành trình liều lĩnh di cư đến châu Âu. Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã đạt được sự nhất trí mở đường cho thỏa thuận điều phối triệt phá tất cả các mạng lưới phạm tội. Vì thế, LHQ phải hành động nhiều hơn nữa vì những tổ chức buôn người đang hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau, ngày càng lộng hành và trục lợi.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.