Nhiều nước tăng tốc phát triển điện hạt nhân

.

Vấn đề năng lượng sạch đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực chống lượng phát thải hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi khí hậu, cũng như nhu cầu ngày càng tăng cho quy mô nền kinh tế phát triển và đời sống cho con người.

Tổ máy số 1 của nhà máy điện hạt nhân Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Ảnh: Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC)
Tổ máy số 1 của nhà máy điện hạt nhân Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Ảnh: Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC)

Một trong những lựa chọn được nhiều nước triển khai đó là điện hạt nhân vì đây sẽ là nguồn cung cấp điện năng ổn định, có giá thành hợp lý và là nguồn không phát thải CO2 khi vận hành. Đặc biệt điện hạt nhân sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và sẽ không sử dụng năng lượng hóa thạch. Đi đầu cho việc phát triển điện hạt nhân hiện nay trên thế giới, ngoài các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Pháp…, nhiều nước khác cũng tăng tốc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. 

Ở Nga, năng lượng hạt nhân hiện được xem là đầu tàu cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và đây là nguồn năng lượng sạch lớn nhất của nước này. Nga hiện có 11 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, với 37 tổ máy điện có tổng công suất lắp đặt lên đến 30 GW. Tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân ở Nga là khoảng 20%, riêng ở phần thuộc châu Âu của đất nước, con số này lên tới 40%. Nga cũng là nước đầu tiên xây dựng và vận hành các tổ máy điện hạt nhân trang bị lò phản ứng thế hệ 3+ và đang phát triển lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư.

Để gia tăng việc sử dụng năng lượng sạch, đáp ứng quy mô phát triển của nền kinh tế, trong vòng 18 năm tới (tức năm 2042), Nga dự kiến xây dựng 11 nhà máy điện hạt nhân mới với các công nghệ và công suất khác nhau. Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Nga (Rosatom) khẳng định kế hoạch xây dựng 28 GW điện hạt nhân mới là mục tiêu đầy tham vọng của Nga nhằm cung cấp năng lượng sạch cho các khu vực rộng lớn của đất nước trong nhiều thập niên tới và tạo cơ sở phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ.

Trong khi đó, Trung Quốc có gần 2/3 tổng sản lượng điện lâu nay do các nhà máy điện than cung cấp. Investopedia cho biết, Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới, với 11.397 triệu tấn carbon phát thải trong năm 2022. Với mục tiêu giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, việc phát triển điện hạt nhân được giới chức nước này đặc biệt quan tâm. Theo số liệu từ Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Trung Quốc, nước này hiện có 56 lò phản ứng đang hoạt động với tổng công suất chiếm khoảng 5% nhu cầu sử dụng điện toàn quốc.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 1-12, Trung Quốc hòa lưới điện thành công tổ máy số 1 của nhà máy điện hạt nhân Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ điện hạt nhân thế hệ thứ ba “Hoa Long 1” do nước này tự thiết kế và sở hữu quyền trí tuệ độc lập. Trung Quốc đang xây dựng và vận hành 33 tổ máy điện hạt nhân “Hoa Long 1”, dẫn đầu thế giới về số lượng tổ máy, khẳng định vị thế của công nghệ điện hạt nhân của nước này. Trung bình mỗi tổ máy tạo khoảng 10 tỷ kilowatt giờ điện/năm, đáp ứng nhu cầu của khoảng 1 triệu người tại các quốc gia phát triển vừa phải. Đồng thời, mỗi tổ máy giúp giảm 3,12 triệu tấn than tiêu thụ và 8,16 triệu tấn khí thải carbon dioxide, tương đương với việc trồng thêm hơn 70 triệu cây xanh.

Trước đó, theo Bloomberg, Trung Quốc phê duyệt kế hoạch xây dựng 11 lò phản ứng hạt nhân được phân bố ở các tỉnh Giang Tô, Sơn Đông, Quảng Đông, Chiết Giang và Quảng Tây. Việc xây dựng dự kiến kéo dài trong 5 năm và tiêu tốn ít nhất 220 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 31 tỷ USD). Đến năm 2030, nước này có thể vượt Pháp và Mỹ để trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân hàng đầu toàn cầu.

Không chỉ Nga, Trung Quốc mà hàng chục nước trên thế giới cũng đã xây dựng và sử dụng điện hạt nhân. Ngay cả các nước vùng Vịnh được mệnh danh là “vựa dầu mỏ” của thế giới cũng hướng tới nguồn năng lượng sạch này. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã hoàn tất nhà máy điện hạt nhân Barakah của Abu Dhabi đầu tiên trong thế giới Arab với công suất 40 teraWatt giờ điện mỗi năm. Một số nước châu Á khác cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong vài năm đến.

Có thể thấy, việc sử dụng năng lượng sạch và tái tạo đã và đang là nhu cầu thiết yếu, là tiêu chí hàng đầu của nhiều quốc gia cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhằm giảm và tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.  

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.