Ngày 16-12, Quốc hội Đức bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Scholz và chính phủ do ông dẫn dắt, đồng nghĩa ông bị miễn nhiệm và quốc gia này sẽ tổ chức bầu cử sớm.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào ngày 16-12 tại Berlin. Ảnh: AA |
Nằm trong tính toán
Theo Reuters, với việc bị bất tín nhiệm, chính phủ do ông Scholz đứng đầu về cơ bản sụp đổ. Tuy nhiên, ông Scholz và nội các của mình vẫn giữ vai trò tạm quyền trong thời gian này cho đến khi có kết quả bầu cử Quốc hội vào ngày 23-2-2025, sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch. Cuộc bỏ phiếu lần này nằm trong toan tính của ông Scholz nhằm đối phó cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay và hy vọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử sắp tới.
Sóng gió trên chính trường Đức bùng phát vào đầu tháng 11-2024 khi đảng Dân chủ tự do rời khỏi liên minh cầm quyền ba đảng do đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông Scholz đứng đầu. Động thái quay lưng này khiến liên minh cầm quyền không còn nắm đa số ở Quốc hội và đối diện khả năng rất khó quản lý đất nước vì không thể thông qua luật hoặc ngân sách. Những bất đồng về cách cân bằng ngân sách và việc có nên tăng nợ của chính phủ hay thực hiện thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng góp phần làm sâu sắc thêm những rạn nứt trong liên minh cầm quyền trước khi tan rã.
Theo luật, thủ tướng phải bị Quốc hội bất tín nhiệm thì tổng thống mới có thể giải tán Quốc hội và cho bầu cử toàn quốc. Cách duy nhất để cứu vãn tình hình này là tổ chức bầu cử lập pháp để thay đổi tương quan trong Quốc hội. Nhận thức rõ điều đó, ông Scholz yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bản thân dù biết trước mình cầm chắc “vé thua”. Do đó, ngay sau cuộc bỏ phiếu này, ông Scholz đề nghị Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sớm giải tán Quốc hội và kêu gọi cử tri tham gia bầu cử. “Mục tiêu của tôi là đưa cuộc bầu cử liên bang lên trước”, The Guardian dẫn phát biểu của ông Scholz ngày 16-12.
Bỏ phiếu tín nhiệm rất hiếm khi xảy ra tại Đức, một quốc gia có 83 triệu dân, luôn coi trọng sự ổn định. Đây chỉ là lần thứ sáu trong lịch sử hậu chiến, một thủ tướng triệu tập cuộc bỏ phiếu như vậy. Lần gần đây nhất là vào năm 2005.
Ứng viên tiềm năng
Theo truyền thông Đức, nếu không có biến động nào lớn, nhiều khả năng lãnh đạo đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đối lập Friedrich Merz sẽ trở thành thủ tướng mới của Đức sau cuộc bầu cử sắp tới vì đảng của ông đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, đánh dấu sự dịch chuyển sang cánh hữu. Trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri gần đây, SPD và ông Scholz chỉ đứng vị trí thứ ba. Họ bị bỏ sau khá xa bởi lần lượt CDU và Đảng AfD cực hữu. Theo AP, ông Friedrich Merz, nhân vật kỳ cựu trên chính trường, được cho là sẽ cắt giảm phúc lợi, có lập trường cứng rắn hơn về chính sách di cư và dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí của Ukraine.
Cuộc bỏ phiếu ngày 23-2-2025 sẽ là cuộc bầu cử bất ngờ thứ tư trong 75 năm kể từ khi nhà nước hiện đại được thành lập. Theo giới quan sát, kinh tế sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử, đặc biệt là khi xét đến cỗ máy kinh tế ì ạch dưới thời ông Scholz.
Những biến chuyển trên chính trường Đức diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang vật lộn để khôi phục lĩnh vực công nghiệp dựa vào xuất khẩu, vốn chịu tác động nặng nề từ giá năng lượng cao và sự cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh đó, Berlin còn đối mặt với các thách thức địa chính trị lớn, từ cuộc xung đột tại Ukraine đến việc ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng đang đe dọa sự ổn định của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các mối quan hệ thương mại.
Điều đáng lo là chính phủ Đức sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 16-12 càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lãnh đạo trên khắp châu Âu vào thời điểm thách thức kinh tế và an ninh gia tăng, theo The Guardian.
Kinh tế Đức tiến gần đến ngưỡng suy thoái Sau 5 năm tăng trưởng trì trệ, tăng trưởng kinh tế Đức hiện nay thấp hơn 5 điểm phần trăm so với mức lẽ ra đạt được nếu duy trì được đà tăng trưởng trước Covid-19. Điều đáng lo ngại hơn là, theo ước tính của Bloomberg Economics, phần lớn đà suy giảm này sẽ rất khó phục hồi. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Đức đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng dự kiến xuống 0,2%, tuyên bố kinh tế Đức sẽ trì trệ trong nửa năm mùa đông 2024 - 2025 và chỉ bắt đầu phục hồi chậm trong suốt năm 2025”. Nguyên nhân đến từ những cú sốc mang tính cấu trúc, như việc mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga. |
THƯ LÊ