Quốc hội Indonesia mới đây thông qua đạo luật quan trọng, chính thức hủy bỏ vai trò thủ đô của Jakarta và chuyển thủ đô đến thành phố mới Nusantara. Đây là động thái táo bạo được thúc đẩy bởi các yếu tố sinh thái và xã hội học cấp bách, không chỉ thay đổi diện mạo chính trị mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, giảm tải cho Jakarta và thúc đẩy phát triển khu vực phía đông Indonesia.
Các tòa nhà đang được xây dựng ở Nusantara. Ảnh: Adi Weda/EPA |
Mô hình “Thành phố sinh đôi”
China Daily dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Muhammad Tito Karnavian cho biết, Jakarta sẽ trải qua quá trình chuyển đổi từ vai trò là thủ đô sang vị thế mới là một vùng đặc biệt. Thủ đô mới của Indonesia sẽ được đặt tên là Nusantara, có nghĩa là quần đảo trong tiếng Indonesia. Đại dự án này được xây dựng trên diện tích hơn 250.000ha rừng ở tỉnh Đông Kalimantan thuộc đảo Borneo, một trong ba hòn đảo lớn nhất thế giới, gấp 3 lần diện tích Jakarta.
Kế hoạch phát triển thủ đô mới Nusantara bên cạnh Jakarta thể hiện tầm nhìn mang tính chuyển đổi cho tương lai của đất nước. Theo chiến lược này, Jakarta và Nusantara hoạt động như “thành phố sinh đôi”, trong đó, mỗi thành phố đóng vai trò bổ sung cho nhau. Thay vì thay thế Jakarta, kế hoạch này cho phép cả hai thành phố phát triển thành trung tâm song hành cùng nhau khi Jakarta vẫn là trung tâm kinh tế trong khi Nusantara đảm nhiệm vai trò về chính trị và hành chính.
Đối với Indonesia, khuôn khổ đầu tư “kép” này đại diện cho sự thay đổi đáng kể nhằm đạt được sự thống nhất quốc gia lâu dài và giải quyết bất bình đẳng khu vực. Việc di dời nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế ở các khu vực phía đông kém phát triển bằng cách thu hút đầu tư, tạo việc làm và thành lập các ngành công nghiệp mới xung quanh thủ đô mới, tạo động lực kinh tế khu vực mạnh mẽ. Các tiểu bang của Indonesia như Sabah và Sarawak dự kiến hưởng lợi từ vị trí gần thủ đô mới, tạo ra các cơ hội mới cho thương mại và đầu tư, theo Viện Lowy.
Mô hình thành phố song sinh cũng mang đến cơ hội tăng cường thương mại. Vị trí chiến lược của Nusantara gần biển Celebes và Arafura, giúp nơi đây có vị thế thuận lợi để trở thành trung tâm hàng hải, bổ sung vai trò của Jakarta tại Eo biển Malacca. Sự thay đổi này có thể mở ra các thị trường mới và thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực tăng trưởng Đông ASEAN (BIMP-EAGA). Vị trí của Nusantara giúp nâng cao vị thế của Indonesia như một cường quốc hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mô hình “thành phố song sinh” này cũng là chiến lược của các quốc gia khác, chẳng hạn như mô hình Kuala Lumpur-Putrajaya của Malaysia và São Paulo-Brasilia của Brazil, được thiết kế để phân cấp quản lý và giảm tình trạng tắc nghẽn đô thị, theo Credit Agricole.
Lấy công nghệ làm trung tâm
Theo The Register, Nusantara, thủ đô tương lai của Indonesia, sẽ lấy công nghệ làm trung tâm, hứa hẹn trở thành thành phố kỹ thuật số 100% cho tất cả cư dân và doanh nghiệp hoạt động tại nơi đây. Theo kế hoạch, Nusantara là một nơi hiếm hoi ở Indonesia có thể uống được nước máy và 75% diện tích thủ đô mới sẽ dành cho không gian xanh, hướng đến mục tiêu trở thành mô hình về khả năng sinh sống và tính bền vững ở Đông Nam Á. Chính phủ đã lên kế hoạch xây dựng lưới điện thông minh để cung cấp năng lượng cho thành phố chủ yếu bằng năng lượng tái tạo. Mục tiêu của chính phủ là đạt mức trung hòa carbon vào năm 2045. Các con phố sẽ được phủ kín bằng xe điện và xe đưa đón tự hành, tất cả đều được giám sát bằng hệ thống giám sát chạy bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý giao thông trong khi vẫn kiểm soát được lượng khí thải.
Đáng chú ý, thủ đô mới với tầm nhìn “Thành phố 10 phút” là những phương hướng cụ thể của Indonesia trong bối cảnh các thành phố trên khắp thế giới phải đối mặt với thách thức dân số tăng nhanh, nhu cầu cấp thiết về giao thông công cộng hiệu quả, giá cả phải chăng và bền vững. Khái niệm “Thành phố 10 phút” bao gồm việc tiếp cận các địa điểm dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông công cộng, trong khoảng 10 phút đi bộ từ nơi sinh sống. Với tư cách là trung tâm kinh tế mới, Nusantara được dự báo sẽ hỗ trợ mục tiêu GDP của Indonesia chạm mốc 180 tỷ USD và tạo ra 4 triệu việc làm vào năm 2045.
Việc phát triển Nusantara diễn ra qua 5 giai đoạn đến năm 2045. Giai đoạn đầu kéo dài đến cuối năm nay và bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản như các con đập, đường cao tốc, “khu vực lõi” của trung tâm hành chính, nơi các cung điện tổng thống và văn phòng bộ trưởng mới tọa lạc. Với năng lực kinh tế của mình, Chính phủ Indonesia đang đối diện những lo ngại, gồm tính khả thi về mặt tài chính của dự án. Mặc dù việc phát triển đại dự án dự kiến kéo dài 18-20 năm, nhưng khoản đầu tư này được nhắm đến mục tiêu thông qua chương trình đối tác công tư, trong đó đầu tư tư nhân chi trả 80% và phần còn lại do ngân sách nhà nước chi trả.
Để thu hút các nhà đầu tư, Indonesia đưa ra các ưu đãi và tìm kiếm quan hệ đối tác với các quốc gia như Saudi Arabia và Trung Quốc, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, theo Jakarta Globe. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa đặt ra thách thức lớn khi các trung tâm công nghiệp, văn phòng công ty và cộng đồng dân cư đổ xô đến thủ đô mới, có khả năng gây ra sự bùng nổ dân số. Tốc độ tăng trưởng dân số của Đông Kalimantan dự kiến tăng gấp đôi trong 18 năm tới do việc di dời. Do đó, để quản lý quá trình đô thị hóa, chính phủ có kế hoạch giới hạn dân số của thủ đô mới ở mức 2 triệu người để tránh tình trạng quá tải. Các biện pháp này chứng minh cam kết đối với các nguyên tắc bền vững, bảo đảm thủ đô mới trở thành biểu tượng của bản sắc dân tộc.
THƯ LÊ