Những cơn bão mạnh bất thường trong mùa bão nhiệt đới năm 2024 gây thiệt hại lớn đáng kể cho toàn thế giới, trên mức trung bình của 10 năm, theo báo cáo gần đây của Công ty tái bảo hiểm Munich Re (Đức).
Barron’s dẫn báo cáo này cho biết, tổng thiệt hại do các cơn bão ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 133 tỷ USD. Đây là con số thuộc nhóm lớn nhất trong một thập niên qua và chỉ đứng sau mức ghi nhận trong năm 2017. Tính trung bình trong 10 năm qua, thiệt hại do mưa bão vào khoảng 89,2 tỷ USD/năm. Trong 30 năm là khoảng 62,6 tỷ USD/năm.
Khu vực Bắc Mỹ là nơi chịu nhiều thiệt hại nặng nhất với tổng cộng 110 tỷ USD, cao hơn nhiều mức trung bình 10 năm là 67,6 tỷ USD. Khu vực Đại Tây Dương ghi nhận 11 cơn bão cường độ lớn, cao hơn mức trung bình chỉ là 6,4 cơn bão/năm. Đáng lo ngại là bão Beryl đi qua vùng biển Caribe vào tháng 6 và 7-2024 là cơn bão cấp 5 (cấp cao nhất trong thang bão) đầu tiên ở Đại Tây Dương xảy ra sớm nhất trong lịch sử các mùa bão hằng năm.
Mỹ là nước hứng chịu thiệt hại và tổn thất kinh tế nặng nề nhất. Mùa bão năm 2024 “bùng nổ, siêu mạnh” với ít nhất 5 cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp vẫn còn là nỗi ám ảnh của người Mỹ khi khiến tổng cộng hơn 230 người thiệt mạng, đồng thời phá vỡ kỷ lục, trở thành một trong những mùa bão tốn kém nhất trong lịch sử nước này, với tổng thiệt hại và tổn thất kinh tế khoảng 500 tỷ USD. Để dễ hình dung, con số này tương đương với gần 2% GDP của Mỹ, theo dữ liệu của AccuWeather, công ty truyền thông Mỹ cung cấp dịch vụ thương mại dự báo thời tiết toàn cầu.
Sở dĩ AccuWeather thống kê mức thiệt hại và tổn thất kinh tế do thảm họa thời tiết ở Mỹ ở mức cao kỷ lục như trên là do công ty này có tính đến các tác động lâu dài bao gồm chi phí y tế dài hạn, những tổn thất không được bảo hiểm chi trả, tình trạng mất việc làm và giảm sút tiền lương, mất mùa, thiệt hại về cơ sở hạ tầng, gián đoạn kinh doanh và chuỗi cung ứng, giao thông gián đoạn, chi phí sơ tán và di dời, tác động du lịch dài hạn, cũng như quản lý tình trạng khẩn cấp và chi phí của chính phủ cho các nỗ lực dọn dẹp và phục hồi sau bão.
“Đây là mùa bão cực kỳ tốn kém và tàn khốc. Các cộng đồng ven biển bị tàn phá nặng nề. Lũ lụt thảm khốc đã xé toạc các thị trấn miền núi cách bờ biển hàng trăm dặm. Hàng loạt doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, di dời nơi ở và tất cả những thiệt hại này đều không được bảo hiểm chi trả. Số tiền đó sẽ mất mãi mãi và có tác động lâu dài đến cộng đồng”, nhà sáng lập AccuWeather, Tiến sĩ Joel Myers, cho biết trong cuộc trao đổi gần đây với tờ Independent. Trong khi đó, báo cáo gần đây do Phòng Thương mại quốc tế (ICC) công bố cho thấy, thời tiết khắc nghiệt và các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD trong thập niên qua.
Giới chuyên gia đều có chung nhận định rằng nhiệt độ mặt biển quá cao, do tác động của biến đối khí hậu, càng làm gia tăng cường độ các cơn bão và cả lượng mưa trút xuống. Đơn cử, trong cơn bão Milton, lượng mưa tạo ra lớn gấp đôi so với kịch bản giả định không có tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi chậm hơn dự kiến từ hiện tượng thời tiết El Nino sang La Nina cũng “tiếp tay” làm gia tăng tình trạng này.
“Nhiệt độ nước trên khắp Đại Tây Dương, Vịnh Mexico và Caribe đã đạt đến mức kỷ lục vào mùa hè 2024. Chúng tôi chưa bao giờ thấy nước ấm như vậy đạt đến độ sâu hàng trăm feet dưới bề mặt. Năng lượng bổ sung đó hoạt động như nhiên liệu tên lửa cho các cơn bão. Xu hướng bão mạnh lên nhanh chóng đang được thúc đẩy bởi các đại dương và khí hậu ấm lên. Chúng ta cũng đang thấy cơ hội cho sự phát triển của bão nhiệt đới và bão kéo dài trước và sau mùa bão chính thức khi các đại dương tiếp tục ấm lên”, Meteorological Technology International dẫn lời Brett Anderson, chuyên gia cấp cao về khí tượng học và khí hậu của AccuWeather.
THƯ LÊ