Các chiến binh của Hayat Tahrir al-Sham/HTS và quân đội Syria Tự do (FSA) đã phát động một cuộc tấn công vào Hama ngay sau khi chiếm được Aleppo. Giới quan sát lo ngại về nguy cơ “bóng ma” xung đột một lần nữa sẽ quay trở lại Syria sau thời gian tạm lắng.
Kể từ khi bắt đầu leo thang vào ngày 27-11, các nhóm phiến quân chiếm được hơn 50 khu định cư ở các tỉnh Aleppo và Hama, trong đó có khu vực Maarat al-Numan ở Idlib, ngã ba chiến lược trên đường cao tốc M5, nối liền Aleppo, Idlib, Hama, Homs và Damascus. Đáng chú ý, việc mất Aleppo đánh dấu bước thụt lùi đáng kể cho lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Từng là thành phố lớn nhất Syria về dân số và là thủ đô kinh tế, đây là một trong những thành phố có người ở lâu đời nhất trên thế giới. Aleppo cũng là thành trì chính của quân nổi dậy cho đến khi Tổng thống al-Assad tiếp quản vào năm 2016. Với việc quân nổi dậy giành lại thành phố này, họ không còn bị dồn vào chân tường ở Idlib nữa, điều này có khả năng gây ra hiệu ứng dây chuyền ở các khu vực khác của đất nước.
Ngày 2-12, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết số người thiệt mạng trong những ngày giao tranh ở miền Bắc Syria, kể từ khi phiến quân phát động một cuộc tấn công lớn, đã tăng lên 514 người, trong đó có 92 dân thường.
Theo Vedomosti, ông Yury Lyamin, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ của Nga cho biết, việc quân đội Syria rút lui về Hama khiến hệ thống phòng thủ của quân chính phủ trên một khu vực rộng lớn từ Aleppo đến miền nam Idlib bị sụp đổ. Chỉ trong một vài ngày, Damascus mất quyền kiểm soát đối với những vùng lãnh thổ mà họ phải trải qua nhiều trận chiến khốc liệt mới có thể giải phóng, hay thậm chí đối với những khu vực mà trước đây dù có nỗ lực đến mấy song phiến quân không thể chiếm được, chẳng hạn như Aleppo.
Theo ông Yury Lyamin, các đơn vị thuộc Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Syria, dân quân địa phương và các đơn vị do IRGC kiểm soát từ nhóm Hezbollah của Lebanon, Hazara Fatimiyoun đến Zeinabiyoun của Pakistan chịu trách nhiệm bảo vệ Aleppo. “Lực lượng phòng thủ ở khu vực này của quân đội chính phủ Syria và lực lượng đồng minh đã bị suy yếu nghiêm trọng do việc rút một phần lực lượng đến các vùng sa mạc Syria để chiến đấu chống lại Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong khi lực lượng còn lại bị phân tán do là mục tiêu trong các cuộc không kích của Israel”, chuyên gia này giải thích.
Trong khi đó, các nhóm phiến quân, có những tính toán chiến thuật hợp lý, tập trung tấn công vào những khu vực mà ảnh hưởng của lực lượng chính phủ đang suy giảm, nên gần như không vấp phải sự phản kháng quyết liệt nào. Dù tình hình ở tây bắc Syria vẫn còn tương đối khó khăn do mặt trận ở Aleppo và nam Idlib thất thủ, song quân đội Syria phần nào kiểm soát được tình hình chiến sự tại bắc tỉnh Hama nhờ lực lượng tiếp viện nhanh chóng, cũng như nhận được sự hỗ trợ của Nga và Iran.
Về phía Nga, lực lượng không quân nước này tiếp tục duy trì các cuộc không kích nhằm hỗ trợ cho lực lượng mặt đất Syria đẩy lùi đà tấn công của phe đối lập. Theo CNN, ngày 1-12, máy bay của quân đội Syria cùng với máy bay Nga thực hiện không kích vào vị trí của phe đối lập ở Aleppo và Iblib. Theo NTV, ngày 2-12, Iran cử các chiến binh thuộc nhóm Shiite Lực lượng Huy động Nhân dân (Hashd al-Shaabi) từ nước láng giềng Iraq tới để hỗ trợ cho lực lượng chính phủ Syria.
Tuy nhiên, theo RBC, sự tham gia rộng rãi của Nga vào tình hình hiện nay chỉ có thể xảy ra nếu Moscow cảm thấy có mối đe dọa đối với hệ thống chính trị hiện tại ở Damascus. Nguyên nhân là do Moscow đang phải tập trung cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong khi đó, Iran cũng khó có thể bảo đảm sự cung cấp đáng kể cho Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, vì các lực lượng trong “trục kháng chiến” do Tehran dẫn dắt ở khu vực, nhất là Hezbollah, đã phải chịu tổn thất đáng kể trong cuộc đụng độ với Israel và buộc Iran phải hàn gắn vết thương ở nước láng giềng Lebanon.
Việc liệu có sự can thiệp của các nước trong và ngoài khu vực đối với hoạt động của các nhóm phiến quân vẫn chưa rõ ràng, song cục diện chiến sự tại tây bắc Syria hiện nay về cơ bản có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Sự hiện diện của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là người Kurd ở tây bắc Syria sẽ tạo cớ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự tại khu vực. Ankara, từ lâu, đã lên kế hoạch tạo ra cái gọi là khu vực an ninh chống lại đảng Công nhân người Kurd (PKK) của Thổ Nhĩ Kỳ có liên hệ với lực lượng người Kurd ở tây bắc Syria. Trong khi đó, với Israel, việc Iran và các lực lượng đồng minh của Iran gặp bất lợi tại Syria là điều mà Israel mong muốn từ lâu. Thời gian tới, nhiều khả năng quân đội Israel sẽ tiếp tục không kích các lực lượng thân Iran, từ đó “chặt đứt” các lực lượng ủy nhiệm của nước này tại khu vực.
Có thể thấy, “bóng ma” xung đột đang quay trở lại với Syria, phản ánh đầy đủ tính phức tạp, khó lường của trật tự chính trị - quân sự tại Trung Đông. Các nước lớn trong và ngoài khu vực đều có những toan tính riêng, sẵn sàng can thiệp nhằm khai thác tối đa lợi ích chiến lược tại khu vực.
HÙNG LÂM