Vận mệnh chính trị của Tổng thống Yoon Suk Yeol trước áp lực lớn

.

Ngày 8-12, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền Han Dong-hoon cho biết, Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ không tham gia các hoạt động điều hành đất nước và sẽ sớm từ chức để giảm hỗn loạn từ tuyên bố thiết quân luật đột ngột vào tuần trước. Tuyên bố này gần như quyết định số phận chính trị của ông Yoon Suk Yeol.

Tổng thống Yoon Suk Yeol xin lỗi công chúng sau lệnh thiết quân luật. Ảnh: AFP
Tổng thống Yoon Suk Yeol xin lỗi công chúng sau lệnh thiết quân luật. Ảnh: AFP

“Rút lui sớm và có trật tự”

Tuyên bố đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol thoát khỏi việc bị luận tội về lệnh thiết quân luật trong cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội do đảng Dân chủ (DP) đối lập chính thúc đẩy. Rõ ràng sự phản ứng mạnh mẽ của công chúng đối với hành động của ông Yoon Suk Yeol ngang với sự phẫn nộ đối với vụ bê bối tham nhũng lớn của cựu Tổng thống Park Geun-hye năm 2016. Tuy nhiên, kết quả các cuộc bỏ phiếu luận tội lại khá khác biệt khi bà Park bị luận tội với sự tán thành của đa số thành viên đảng cầm quyền khi đó, trong khi ông Yoon Suk Yeol lại tránh được bởi hầu hết thành viên PPP tẩy chay để vô hiệu hóa cuộc bỏ phiếu.

Theo The Korea Times, động thái của PPP nhằm tránh lặp lại khủng hoảng tương tự sau vụ luận tội và phế truất Tổng thống Park Geun-hye vốn dẫn đến sự chia rẽ trong đảng cầm quyền lúc bấy giờ và chiến thắng của đảng Dân chủ (DPK) trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Cụ thể, các thành viên của PPP lo ngại, nếu động thái luận tội được Tòa án Hiến pháp thông qua và duy trì, PPP sẽ phải đối mặt với thất bại nhất định trong cuộc bầu cử bất thường diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ khi tổng thống bị cách chức.

Điều này có khả năng mở đường cho ứng cử viên mạnh nhất của phe đối lập, lãnh đạo DPK Lee Jae-myung, có thể trở thành tổng thống tiếp theo. Trong trường hợp ông Yoon Suk Yeol bị bãi nhiệm, khả năng các nhà lập pháp PPP đương nhiệm không giành được ghế trong Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo cũng tăng lên, và đây là lý do khác khiến nhiều quan chức PPP phản đối việc luận tội.

Song, trong nỗ lực xoa dịu dư luận, Yonhap dẫn lời ông Han Dong-hoon, cựu công tố viên và từng là trợ lý thân cận của ông Yoon Suk Yeol, ngày 8-12 thông báo: “Thông qua việc tổng thống từ chức sớm và có trật tự, chúng ta sẽ giảm sự hỗn loạn cho đất nước và người dân, qua đó ổn định tình hình chính trị và khôi phục nền dân chủ tự do”. Tổng thống Yoon Suk Yeol trên thực tế sẽ bị tước bỏ chức vụ cho đến khi rút lui và Thủ tướng Han Duck-soo sẽ phụ trách các vấn đề quốc gia sau khi tham vấn với PPP nhằm ngăn chặn những khoảng trống tiềm ẩn trong việc điều hành đất nước.

Trước đó, tổng thống thứ 13 của Hàn Quốc đã xin lỗi công chúng và cam kết chuyển giao việc điều hành đất nước cho thủ tướng cùng PPP.  Ông Han Dong-hoon nhận định chia sẻ lần này của tổng thống về việc giao phó công việc điều hành “thực chất là lời hứa sẽ từ chức”. Việc toàn quyền quyết định các hoạt động ngoại giao là đặc quyền của  tổng thống. Do đó, với việc ông Yoon Suk Yeol cũng bị “tước” đặc quyền này, những chuyến công du nước ngoài và đón tiếp lãnh đạo nước khác đến Hàn Quốc nhiều khả năng bị hoãn lại.

Korea Times nhận định, bất ổn dự kiến gia tăng với các cuộc biểu tình từ các đảng đối lập và các nhóm công dân kêu gọi tổng thống từ chức. Đảng DPK dự kiến tái trình kiến nghị luận tội mới vào ngày 11-12.

Thách thức pháp lý

Bên cạnh sức ép từ chức, Tổng thống Yoon Suk Yeol và các quan chức cấp cao có liên quan đang đối mặt thách thức pháp lý lớn. Ngày 5-12, Cảnh sát Hàn Quốc mở cuộc điều tra về cáo buộc ông phạm tội phản quốc khi ban bố thiết quân luật. Tiếp đến, ngày 8-12, Yonhap dẫn lời ông Park Se Hyun, người đứng đầu nhóm điều tra đặc biệt của Viện Công tố Hàn Quốc, nêu rõ: “Nhiều khiếu nại liên quan được tiếp nhận và chúng tôi đang điều tra theo thủ tục ở cả hai cáo buộc là lạm dụng quyền lực và nổi loạn”.

Có thể hiểu đơn giản bản chất của vụ việc là một quan chức đã lạm dụng quyền lực và gây hỗn loạn nhằm mục đích phá vỡ Hiến pháp. Đó là những tội danh mà công tố hoàn toàn có quyền điều tra và xem xét. Theo luật, tội nổi loạn là ngoại lệ đối với quyền miễn trừ truy tố của tổng thống. Như vậy, tổng thống đang là đối tượng bị điều tra của cả cảnh sát và công tố. Phía cảnh sát từ chối lập nhóm điều tra chung với bên công tố, viện dẫn có thể dẫn tới xung đột lợi ích và không có cơ sở pháp lý để cùng điều tra. Ngày 8-12, các công tố viên Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, người đề xuất tổng thống ban bố tình trạng thiết quân luật, theo Yonhap.

Một số thành viên PPP đề xuất sửa đổi Hiến pháp để rút ngắn nhiệm kỳ tổng thống của ông Yoon Suk Yeol và chuyển nhiều quyền lực hơn cho thủ tướng, vị trí số 2 ở chính phủ, người nắm giữ vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ. Những người khác kêu gọi thành lập chính phủ liên minh, với các vị trí trong Nội các được chia sẻ giữa các đảng cạnh tranh để bảo đảm sự ổn định chính trị rộng rãi hơn và hợp tác trong Quốc hội.

Những chuyển biến trên diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với Hàn Quốc, khi nước này đang nỗ lực củng cố quan hệ song phương với Mỹ và hợp tác an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Yonhap dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết: “Mỹ cam kết bảo vệ hòa bình và an ninh của bán đảo Triều Tiên. Thế trận phòng thủ chung của Mỹ-Hàn Quốc vẫn mạnh mẽ và sẵn sàng ứng phó với mọi hành động khiêu khích hoặc đe dọa”.

THƯ LÊ  

;
;
.
.
.
.
.