Vàng, chứng khoán chịu tác động từ việc Fed giảm lãi suất

.

Ngày 18-12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ khi giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay với mức 25 điểm cơ bản (0,25%).

Theo Reuters, Fed đưa ra quyết định nói trên sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các số liệu sắp tới, cả về triển vọng và rủi ro. Đây là lần thứ ba liên tiếp cơ quan này quyết định giảm lãi suất sau các mức giảm lần lượt 0,5% và 0,25%. Như vậy, kể từ khi bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9-2024, đến lúc này Fed đã hạ lãi suất tròn 1 điểm phần trăm.

Ngay sau quyết định của Fed, thị trường vàng và chứng khoán có biến động mạnh mẽ. Đơn cử, CNN dẫn số liệu sàn giao dịch chứng khoán New York cho biết, chốt phiên giao dịch ngày 18-12, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận ngày sụt giảm nhất trong hơn 4 tháng khi “bốc hơi” 1.123,03 điểm (tương đương 2,6%) xuống còn 42.326,87 điểm. Chỉ số blue-chip này cũng giảm phiên thứ 10 liên tiếp, ghi nhận chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10-1974. Sắc đỏ cũng lan sang sàn giao dịch dầu mỏ khi kết thúc phiên giao dịch cùng ngày, giá dầu thô giao tháng 1-2025 giảm 0,7% xuống còn 69,53 USD/thùng; trong khi dầu Brent cũng giảm 0,27% còn 72,99 USD/thùng.

Đáng chú ý, toàn bộ 11 nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đều đi xuống. Nhóm cổ phiếu liên quan đến tiền số cũng mất giá, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan này không được phép sở hữu Bitcoin và không muốn sửa luật để làm điều này. Trước đó, thị trường xuất hiện tin đồn rằng chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ lập kho dự trữ Bitcoin năm 2025. Trong khi đó, thị trường vàng đang đi ngang từ đầu tuần cũng lao dốc thẳng đứng.

Theo Kyodo News, không chỉ ở Mỹ, thị trường vàng và chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng chịu tác động mạnh. Trong phiên sáng 19-12, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,4%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1,84% và Kosdaq giảm 1,92%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc cũng giảm 1,91%. Thị trường vàng cũng giảm quanh ngưỡng 2.600 USD/ounce trong phiên giao dịch sáng 19-12.

Theo CNN, đi cùng việc hạ lãi suất, Fed cũng phát đi tín hiệu giảm tốc độ hạ lãi suất trong thời gian tới. Với dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2025 lên mức 2,1%, Fed dự kiến chỉ tiến hành hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025 để đưa lãi suất chuẩn về phạm vi 3,75 - 4% vào cuối năm 2025. Ông Richard Carter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lãi suất cố định tại công ty đầu tư Quilter Cheviot (Anh) nói với CNBC News rằng, việc cắt giảm lãi suất sẽ làm giảm chi phí vay bằng USD, do đó tạo điều kiện thanh khoản dễ dàng hơn cho các công ty trên toàn thế giới. Lãi suất thấp hơn ở Mỹ cũng sẽ làm giảm lợi suất có sẵn đối với các tài sản của Mỹ như trái phiếu kho bạc, do đó các thị trường khác (như chứng khoán) trở nên hấp dẫn hơn.

Vì sao kinh tế vĩ mô tốt nhưng Fed vẫn tiếp tục hạ lãi suất? Quyết định này cho thấy các quan chức Fed vẫn luôn cảnh giác với việc giữ lãi suất ở mức quá cao và đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế một cách không cần thiết. Mặt khác, Fed có thể sẽ phải ứng phó với tác động của chính sách tài khóa trong 4 năm cầm quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Theo giới quan sát, các chủ trương chính sách của ông Trump như áp thuế quan, cắt giảm thuế trong nước, trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép… đều có thể đẩy giá cả tăng cao và làm phức tạp thêm nỗ lực chống lạm phát của Fed.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.