Viện trợ cho Gaza thêm ngặt nghèo

.

Cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) thông báo dừng chuyển hàng cứu trợ qua cửa khẩu quan trọng Kerem Shalom từ Israel vào dải Gaza do quan ngại tình hình an ninh giữa lúc khủng hoảng lương thực càng nghiêm trọng.

Theo The Guardian, trên mạng xã hội X ngày 1-12, quan chức đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini cho biết, quyết định khó khăn này được đưa ra vào thời điểm nạn đói nhanh chóng gia tăng ở Gaza do các cuộc bao vây đang diễn ra, những rào cản từ chính quyền Israel, các quyết định chính trị nhằm hạn chế số lượng viện trợ, tình trạng thiếu an toàn trên các tuyến đường viện trợ và các cuộc tấn công vào cảnh sát địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ việc vận chuyển viện trợ. Quan chức này nhấn mạnh, bảo vệ nhân viên cứu trợ và vật tư là trách nhiệm của Israel với tư cách là lực lượng chiếm đóng ở các vùng lãnh thổ Palestine. Do đó, nước này phải bảo đảm viện trợ chảy vào Gaza một cách an toàn và kiềm chế tấn công vào nhân viên cứu trợ.

Quyết định của UNRWA có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza khi mùa đông lạnh giá đang đến gần, với hàng trăm nghìn người Palestine hiện trú ẩn trong các trại lều tồi tàn và phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Các chuyên gia cảnh báo nạn đói ở phía bắc, nơi mà lực lượng Israel gần như cô lập hoàn toàn từ đầu tháng 10-2024.

Cửa khẩu Kerem Shalom ở miền nam Israel và cửa khẩu Rafah ở Ai Cập là hai cửa khẩu biên giới được sử dụng để vận chuyển hàng viện trợ tới khoảng 2,4 triệu cư dân tại dải Gaza, trong đó Kerem Shalom - nằm ở đường biên giới giữa Ai Cập, Israel và Gaza - cho phép vận chuyển nhanh hơn nhiều so với cửa khẩu Rafah cách đó vài km. Từ tuần trước, hàng trăm người biểu tình gồm các nhà hoạt động cánh hữu từ các khu định cư ở Bờ Tây cùng thân nhân của các con tin đang bị giam giữ tại Gaza, đã phong tỏa cửa khẩu Kerem Shalom, kêu gọi Chính phủ Israel không tiếp tục tạo điều kiện cho các chuyến hàng viện trợ đến dải Gaza, nhằm gây áp lực buộc Hamas phải trả tự do cho hơn 60 con tin vẫn còn sống. Để ngăn chặn hoạt động biểu tình này, ngày 28-11, Israel tuyên bố Kerem Shalom trở thành khu quân sự khép kín.

Theo Liên Hợp Quốc, tính đến tháng 10-2024, có 333 nhân viên cứu trợ thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Theo UNRWA, tối đa 30 xe tải viện trợ nhân đạo vào Gaza mỗi ngày, chỉ như “muối bỏ bể” đối với nhu cầu của người dân ở đó, trong khi mức trung bình trước xung đột là 500 xe. Song, ước tính khoảng 1/3 viện trợ “nhỏ giọt” này lại bị các băng đảng vũ trang đánh cắp và bán lại với giá cắt cổ. Ngày 16-11, các nhóm vũ trang lấy trộm lượng lớn các xe tải chở hàng cứu trợ. Tình trạng này cũng lặp lại ngày 30-11. Trước đó, tháng 10-2024, gần 100 xe tải chở hàng cứu trợ cho người dân Palestine tại Gaza bị cướp. Theo truyền thông Palestine, cuộc không kích của Israel vào ngày 30-11 tại Khan Younis khiến 3 nhân viên làm việc cho tổ chức từ thiện có trụ sở tại Mỹ World Central Kitchen (WCK) thiệt mạng, khiến tổ chức này phải dừng hoạt động.

Trước tình hình bất ổn này, ngày 2-12, hội nghị quy tụ các bộ trưởng ngoại giao từ nhiều quốc gia và đại diện của các cơ quan Liên Hợp Quốc, trong đó có UNRWA, diễn ra tại thủ đô Cairo (Ai Cập) nhằm tăng cường phản ứng quốc tế đối với khủng hoảng nhân đạo ở Gaza cũng như huy động thêm viện trợ của khu vực và toàn cầu, đặc biệt tăng cường hỗ trợ UNRWA, để xoa dịu phần nào nỗi thống khổ của người dân Palestine ở dải đất ven Địa Trung Hải này. Trong tuyên bố trước thềm hội nghị, Chính phủ Anh cam kết cấp thêm 19 triệu bảng viện trợ nhân đạo cho Gaza.

Trong khi đó, lệnh ngừng bắn tại Lebanon dường như đang trên bờ vực đổ vỡ khi cả hai bên đều cáo buộc bên kia vi phạm thêm nhiều lần nữa. Trước tình hình này, giới quan sát cho rằng, con đường tiến đến lệnh ngừng bắn ở Gaza thêm muôn phần trắc trở. Nỗ lực ngừng bắn ở Gaza đã bị đình trệ khi Israel bác bỏ yêu cầu của Hamas về việc rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ này. Mỹ cho biết sẽ thúc đẩy một thỏa thuận khác. Theo cơ quan y tế Gaza, đến nay khoảng 44.300 người Palestine thiệt mạng và 90% trong số 2,3 triệu dân phải rời bỏ nhà cửa do xung đột. 

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.