Một thập kỷ sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khu vực này đã đạt tiến bộ trong nỗ lực hội nhập kinh tế toàn cầu và thu hút nguồn vốn FDI.
Công nhân lắp ráp ô-tô tại nhà máy xe điện BYD ở Rayong (Thái Lan) tháng 7-2024. Ảnh: Reuters |
Theo SCMP, kể từ năm 2015, thời điểm AEC thành lập, nguồn vốn FDI vào ASEAN tăng đáng kể, vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2021 và tiếp tục giữ vững tăng trưởng đều hằng năm. Mỹ vẫn là nước đóng góp lớn nhất kể từ năm 2019, chiếm 32% tổng FDI vào ASEAN vào năm 2023. Theo AEC, kết quả này nhờ môi trường đầu tư thân thiện, bao gồm thông qua việc thành lập Cơ chế một cửa ASEAN vào năm 2018 để đơn giản hóa việc trao đổi các tài liệu giao dịch điện tử và thành lập Khung tạo thuận lợi đầu tư ASEAN vào năm 2021.
Những điều này, cùng với khu vực thương mại tự do được thiết lập từ lâu, đã khuyến khích hội nhập và tăng trưởng trong các lĩnh vực chiến lược như sản xuất và dịch vụ chuyên nghiệp. Bổ sung cho những điều này là các biện pháp riêng của các quốc gia thành viên nhằm thúc đẩy FDI, cùng với tư cách thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới chiếm 30% nền kinh tế toàn cầu.
Khi khu vực này chuyển dịch mạnh mẽ sang các dịch vụ có giá trị cao hơn như sản xuất chất bán dẫn và khi nền kinh tế kỹ thuật số phát triển, Đông Nam Á không còn được coi là cơ sở sản xuất chi phí thấp nữa. Ở những lĩnh vực mới nổi như xe điện (EV), các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã trở thành nơi cung cấp nguyên liệu thô, dây chuyền sản xuất, và thậm chí là thị trường. Tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng cũng giúp thu hút các thương hiệu quốc tế. Đông Nam Á cũng đang nhanh chóng củng cố vị thế của mình như một trung tâm tài chính và kỹ thuật số, với khoản đầu tư quốc tế vào nền kinh tế kỹ thuật số (thương mại điện tử, công nghệ tài chính và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số) tăng gấp 5 lần lên 4,4 tỷ USD kể từ khi AEC được thành lập. Hơn 5.000 doanh nghiệp đa quốc gia có trụ sở ở khu vực này.
SCMP đăng tải bài phân tích đăng ngày 9-1 của ông Sam Cheong, Giám đốc Khối tư vấn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kết nối đối tác, Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định, không chỉ có chính sách và ưu thế về dân số giúp thu hút FDI. Những luồng gió địa chính trị cũng giúp thu hút nhiều nhà đầu tư đến khu vực này. Theo SCMP, tại hội nghị ASEAN gần đây, Phó Thủ tướng Singapore Gan Kim Yong nhận định, ASEAN là điểm sáng trong một thế giới đang đối mặt nhiều thách thức với những căng thẳng, xung đột và chủ nghĩa bảo hộ của một số quốc gia.
Theo ông Sam Cheong, quan điểm đa phương, cởi mở đánh dấu Đông Nam Á là trung tâm thương mại và đầu tư. Có thể thấy quan hệ đối tác được hình thành giữa các công ty từ các quốc gia khác nhau. Sự ra đời của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do ASEAN thúc đẩy là hiệp định thương mại tự do đầu tiên có sự góp mặt của cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là minh chứng cho cách ASEAN đóng vai trò là người triệu tập và môi giới trung thực cho thế giới.
Tuy nhiên, ông Sam Cheong chỉ ra vẫn còn những trở ngại trong đầu tư nội khối vốn giảm 35% từ năm 2022 xuống còn 21,9 tỷ USD vào năm 2023. Việc Malaysia và Singapore thành lập Đặc khu kinh tế Johor-Singapore (JS-SEZ) là ví dụ điển hình giúp thu hút nhiều khoản đầu tư hơn, không chỉ giữa hai quốc gia mà còn trên toàn khu vực, giúp hỗ trợ mở rộng kinh doanh. Đã đến lúc các doanh nghiệp ASEAN phải không ngừng đổi mới và phát triển để đáp ứng nhu cầu đẳng cấp thế giới của các doanh nghiệp đa quốc gia. Các tổ chức tài chính có thể hợp tác với chính phủ và các hiệp hội thương mại để nâng cao các doanh nghiệp địa phương trong các lĩnh vực như tính bền vững và tạo ra sinh kế.
Các nền kinh tế phát triển như Singapore phải tiếp tục tận dụng vai trò là trung tâm chiến lược, tạo điều kiện cho dòng vốn FDI chảy vào các nước láng giềng. Hiệu quả của Singapore trong mô hình trung tâm và nan hoa phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung cấp các nguồn lực và cơ hội mà các doanh nghiệp tìm kiếm của các nước láng giềng.
The Edge Malaysia dẫn lời ông Liew Chin Tong, Thứ trưởng Bộ Đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia (MITI) cho rằng, ASEAN nên phát triển thành một xã hội trung lưu, trở thành thị trường tiêu dùng đáng kể thay vì chỉ đóng vai trò là nơi sản xuất theo mô hình công nghiệp hóa truyền thống lấy xuất khẩu làm trọng tâm. Các nền kinh tế châu Á không thể mãi coi Mỹ là điểm đến xuất khẩu đầu tiên và cuối cùng, mà thay vào đó phải tạo ra nhiều thị trường tiêu dùng hơn, đặc biệt là ở trong ASEAN.
UOB dự kiến nguồn vốn FDI vào ASEAN từ 226 tỷ USD vào năm 2023 sẽ đạt 312 tỷ USD vào năm 2027, với dòng chảy thương mại đạt 4.700 tỷ USD (năm 2027). ASEAN, với mức tiêu dùng, xuất khẩu và lực lượng lao động trẻ tăng vọt, đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Đến lúc đó, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN có thể có giá trị hơn 2.000 tỷ USD. Trong những năm tới, Đông Nam Á tiếp tục củng cố vai trò cầu nối của thế giới. |
THƯ LÊ