Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng kỷ lục

.

Viện Nghiên cứu kế hoạch và phát triển công nghệ quốc phòng Hàn Quốc công bố báo cáo ngày 13-1 cho thấy tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2023 lên tới con số kỷ lục mới: 2.443 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 9 tăng liên tiếp và tăng hơn 200 tỷ USD so với năm trước đó.

The Guardian đánh giá, tỷ lệ tăng 6,8% từ năm 2022 đến năm 2023 là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009, đẩy chi tiêu quốc phòng toàn cầu lên mức cao nhất theo số liệu mà Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) theo dõi suốt 60 năm qua.

Mỹ là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn nhất toàn cầu (chiếm 37%) với khoản chi lên tới 916 tỷ USD. Mỹ cũng đã và đang thực hiện nhiều đợt viện trợ vũ khí liên tiếp cho Ukraine và Israel. Ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị được chi trong năm 2024 tương đương 3,5% tổng GDP và luôn đứng đầu thế giới, bỏ xa quốc gia đứng thứ hai là Trung Quốc. Top các nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới còn có Trung Quốc (296 tỷ USD), Nga (109 tỷ USD), Ấn Độ (83,6 tỷ USD). Nhật Bản đứng thứ 10 với 50,2 tỷ USD, tiếp sau là Hàn Quốc (47,9 tỷ USD).

Tỷ lệ chi tiêu quốc phòng so với GDP của Hàn Quốc (2,8%) cao hơn hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vượt Úc (1,9%), Trung Quốc (1,7%) và Nhật Bản (1,2%). Tỷ lệ này cũng vượt nhiều thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Đức và Canada, chỉ thấp hơn Mỹ (3,4%), Anh (2,3%) và Pháp (2,1%).

Chi tiêu quốc phòng ở Trung Đông tăng 9% lên 200 tỷ USD năm 2023, trở thành khu vực có tỷ lệ chi tiêu quân sự cao nhất so với GDP trên thế giới ở mức 4,2%. Mức tăng lớn nhất ở Trung Đông là Saudi Arabia với 4,3% đạt 75,8 tỷ USD, tương đương 7,1% GDP. Trong cùng khu vực, Israel có mức tăng lớn thứ 2 với tỷ lệ 24% đạt 27,5 tỷ USD mà chủ yếu do chiến dịch quân sự của nước này ở dải Gaza. Trong khi đó, Iran là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 4 ở Trung Đông với mức tăng nhẹ 0,6% lên 10,3 tỷ USD trong năm 2023.

Đáng chú ý, chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2023, một năm sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tăng 24% so với năm 2022, tăng 57% so với năm 2014. Nga chi tiêu quốc phòng ở mức 5,9% GDP, tương đương 16% tổng chi tiêu của chính phủ nước này năm 2023. Ukraine trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 8 thế giới năm 2023 với mức tăng 51% và đạt 64,8 tỷ USD. Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Kiev tăng 1.270% từ năm 2014 đến năm 2023. Khoản viện trợ quân sự mà Ukraine nhận được từ hơn 30 quốc gia cũng được đưa vào số liệu của SIPRI.

Chính sách gia tăng kỷ lục chi phí quốc phòng của các nước là nhằm đối phó với tình hình an ninh ở các khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài và căng thẳng tại Trung Đông đáng lo ngại. Việc tăng chi phí quốc phòng còn có yếu tố khác là sự thay đổi nhanh chóng công nghệ quân sự chưa từng có như hệ thống vũ khí mới, trí tuệ nhân tạo... đã buộc các nước phải tăng ngân sách mạnh mẽ mới đáp ứng được yêu cầu.

Mặt khác, chi tiêu quốc phòng toàn cầu đang tăng mạnh khi các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thành viên NATO ở khu vực châu Âu theo yêu cầu của Mỹ, nhất là khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cảnh báo phải tái đánh giá ngân sách quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng lớn ở châu lục này.

Những diễn biến nói trên đúng như nhà nghiên cứu Nan Tian làm việc tại SIPRI được The Guardian trích dẫn: “Sự gia tăng chưa từng có trong chi tiêu quân sự là phản ứng trực tiếp trước sự suy thoái nền hòa bình và an ninh toàn cầu. Các quốc gia đang ưu tiên tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng họ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy xung đột, giữa lúc tình hình an ninh và địa chính trị ngày càng biến động”.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.