Indonesia là quốc gia ASEAN đầu tiên gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) với tư cách thành viên đầy đủ, đánh dấu bước tiến trong chiến lược hội nhập quốc tế. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của BRICS đối với các nước đang phát triển trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu biến chuyển mạnh mẽ.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (bên phải) gặp Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula de Silva tại Rio de Janeiro tháng 11-2024. Ảnh: AFP |
Theo The Jakarta Post, ngày 6-1, Chính phủ Brazil, quốc gia giữ cương vị Chủ tịch luân phiên BRICS năm 2025, cho biết các nước thành viên nhất trí kết nạp Indonesia trong một phần của nỗ lực mở rộng khối, vốn được thông qua ban đầu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023 ở Nam Phi. Thực tế, nỗ lực của Indonesia được BRICS “bật đèn xanh” năm 2023, song quốc gia Đông Nam Á này đề nghị gia nhập khối sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Tuyên bố của Chính phủ Brazil nêu bật tầm quan trọng của Indonesia đối với Nam bán cầu. Với GDP khoảng 1.400 tỷ USD, dân số vượt 280 triệu người và tăng trưởng kinh tế hằng năm hơn 5% trong phần lớn thập kỷ qua, Indonesia được coi là một trong những thị trường mới nổi năng động nhất toàn cầu. Tuyên bố nhấn mạnh: “Indonesia chia sẻ với các thành viên khác trong nhóm về quan điểm hỗ trợ công cuộc cải cách các thể chế quản trị toàn cầu và đóng góp tích cực vào tăng cường hợp tác sâu rộng ở Nam bán cầu”.
Theo Tân Hoa Xã, ngày 6-1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh và chúc mừng Indonesia, quốc gia đang phát triển và là lực lượng quan trọng ở Nam bán cầu; đánh giá cao tinh thần BRICS và tham gia tích cực vào cơ chế hợp tác “BRICS Plus”. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Indonesia và các thành viên BRICS khác để cùng xây dựng quan hệ đối tác toàn diện, chặt chẽ, thực tế hơn.
Gia nhập BRICS hứa hẹn mang đến cho Indonesia nhiều lợi ích. ANTARA dẫn nhận định của nhà kinh tế Muhammad Faisal từ Trung tâm Cải cách kinh tế (CORE) Indonesia cho biết, một trong những cơ hội chính là nước này có thể tiếp cận thị trường rộng mở bởi các nước thành viên BRICS có dân số đông và tỷ lệ tiêu dùng cao, tạo cơ hội cho sản phẩm của Indonesia như dầu cọ, cà phê và hải sản, cũng như hàng hóa sản xuất, thâm nhập sâu hơn vào thị trường chung của khối.
Nhờ đó, Indonesia có thể giảm sự phụ thuộc vào các thị trường thông thường như Mỹ hoặc châu Âu, vốn có xu hướng biến động và thường bị ảnh hưởng bởi các chính sách bảo hộ. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nêu trên không chỉ mang lại sự ổn định cho nền kinh tế quốc gia mà còn tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Indonesia trên thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, BRICS còn mang lại nhiều cơ hội hợp tác đầu tư đáng kể. Các nước thành viên BRICS, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, có năng lực đầu tư lớn và rất quan tâm đến việc đầu tư vào các nước đang phát triển như Indonesia. Nếu được quản lý tốt, các khoản đầu tư như vậy có thể tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm hơn và hỗ trợ đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia.
Sự hợp tác công nghệ với các nước lớn trong khối cũng sẽ có lợi cho Indonesia trong giai đoạn đầu chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến. Hợp tác với BRICS không chỉ là chiến lược kinh tế mà còn là bước đi chiến lược hướng đến mục tiêu: một Indonesia mạnh mẽ, thịnh vượng hơn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tư cách thành viên BRICS cũng đi kèm với những thách thức riêng, trong đó có sự cạnh tranh với các nước thành viên khác trong một số ngành công nghiệp.
Như vậy, với sự gia nhập của Indonesia, BRICS hiện gồm 10 thành viên (cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)).
Với vị thế là quốc gia đông dân nhất và có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á xét theo tổng GDP danh nghĩa, sự góp mặt của Indonesia giúp BRICS mở rộng thị phần trong GDP toàn cầu lên hơn 32%. Indonesia hứa hẹn sẽ mang lại những đóng góp chiến lược cho BRICS, củng cố tiếng nói chung của các quốc gia đang phát triển trên trường quốc tế, thúc đẩy lợi ích của khu vực Nam bán cầu. Việc chào đón thành viên mới này cũng giúp BRICS củng cố ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á, khu vực có tầm quan trọng ngày càng tăng về mặt chiến lược và kinh tế.
Việc Indonesia gia nhập BRICS thể hiện động thái được tính toán để tối đa hóa lợi ích kinh tế trong khi vẫn duy trì lập trường không liên kết của mình. Diễn biến này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi trong việc định hình thương mại, đầu tư và động lực địa chính trị toàn cầu, đánh dấu chương mới trong quá trình phát triển của các liên minh kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực thống trị hệ thống kinh tế toàn cầu, BRICS là biểu tượng cho cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển để giành được vị thế lớn hơn, bình đẳng hơn.
THƯ LÊ