Việc Malaysia và Singapore thành lập Đặc khu kinh tế Johor-Singapore (JS-SEZ) định hình mô hình hợp tác mới, biến đối thủ cạnh tranh thành đồng minh phát triển.
Lễ trao đổi Bản ghi nhớ về Đặc khu kinh tế Johor-Singapore trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước vào ngày 7-1. Ảnh: CNA/Fadza Ishak |
Ngày 7-1, tại văn phòng Thủ tướng Malaysia ở Putrajaya, thỏa thuận lịch sử được ký kết. JS-SEZ chính thức ra đời, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng. “Rất hiếm khi bạn thấy hai quốc gia làm việc cùng nhau như một đội”, AP dẫn lời Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại cuộc họp báo chung cùng ngày.
Cơ chế vận hành độc đáo
Với tham vọng tạo ra 20.000 việc làm kỹ năng cao trong 5 năm đầu tiên, JS-SEZ không chỉ là dự án kinh tế thuần túy. Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh tiềm năng lớn nhất của đặc khu kinh tế này không chỉ là việc các doanh nghiệp Singapore đến Johor, mà là cả hai bên cùng làm việc để thu hút các dự án đầu tư mới trên toàn cầu”, theo Channel News Asia (CNA).
Trong bối cảnh quan hệ thương mại thế giới đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, sự hợp tác giữa Singapore và Malaysia càng trở nên đáng chú ý. Theo The Straits Times, năm 2023, Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Singapore với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 123,6 tỷ USD Singapore (SGD). Đồng thời, Singapore cũng là nguồn vốn FDI lớn nhất của Malaysia, đóng góp 43,7 tỷ RM (13,3 tỷ SGD), chiếm 23,2% tổng vốn FDI của Malaysia.
Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli nhấn mạnh tính độc đáo trong cơ chế hoạt động của JS-SEZ: đây sẽ là mô hình phát triển theo từng dự án cụ thể, nghĩa là cơ sở hạ tầng sẽ được xây dựng linh hoạt dựa trên nhu cầu thực tế của từng dự án đầu tư, thay vì phát triển hạ tầng trước rồi mới thu hút đầu tư như cách làm truyền thống. “Điều này giúp tiết kiệm thời gian vì các nhà đầu tư có thể linh hoạt lựa chọn khu vực phù hợp nhất cho hoạt động của họ, thay vì phải đến những nơi mà chính phủ đã đầu tư sẵn cơ sở hạ tầng”, ông Rafizi Ramli nói với CNA.
Đặc khu kinh tế này sẽ trải rộng trên diện tích 3.571km2, bao gồm 9 khu vực trọng điểm là Iskandar Puteri, Pengerang, Johor Bahru, Tanjung Pelepas-Tanjung Bin, Pasir Gudang, Senai-Skudai, Sedenak, Forest City và Desaru, tập trung 11 lĩnh vực kinh tế then chốt, từ sản xuất, logistics đến kinh tế số và năng lượng xanh. Theo Thủ tướng Anwar Ibrahim, ngoài các ưu đãi tài chính, sự ổn định chính trị và chính sách kinh tế rõ ràng của cả hai chính phủ sẽ là yếu tố then chốt thu hút đầu tư vào khu kinh tế mới này.
Mô hình hợp tác khu vực mới
JS-SEZ không chỉ là đặc khu kinh tế, mà còn là một thử nghiệm về mô hình hợp tác xuyên biên giới mới. Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nói với CNA: “Tôi nghĩ chúng ta có nhiều thế mạnh từ cả hai bên có thể khai thác, điều này sẽ cho phép chúng ta nâng cao giá trị cốt lõi và biến JS-SEZ thành điểm đến cạnh tranh và hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp hoạt động.
Trao đổi với The Strait Times, ông Lennon Tan, Chủ tịch Liên đoàn Sản xuất Singapore, đánh giá JS-SEZ có tiềm năng trở thành hình mẫu hợp tác mới: “Bằng việc đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của các nhà sản xuất và duy trì cam kết về đổi mới và phát triển bền vững, JS-SEZ có tiềm năng trở thành một hình mẫu cho các khu kinh tế xuyên biên giới trên toàn cầu.
Các sáng kiến ban đầu đã được triển khai, trong đó có hệ thống thông quan bằng mã QR thay thế hộ chiếu tại các cửa khẩu đường bộ Singapore-Malaysia từ tháng 3-2024, theo The Straits Times. Ông Teo Siong Seng, Chủ tịch nhóm công tác doanh nghiệp JS-SEZ Singapore thuộc Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), kỳ vọng thỏa thuận này sẽ mở ra kỷ nguyên mới trong hội nhập kinh tế giữa Singapore và Johor.
Tuy nhiên, The Straits Times cũng dẫn lại quan điểm của ông Philip Chow, Giám đốc phụ trách thị trường Malaysia của công ty thực phẩm Old Chang Kee, doanh nghiệp Singapore đang vận hành hai cửa hàng bán lẻ và một cơ sở sản xuất tại Johor, cho rằng JS-SEZ có thể tạo ra thách thức cạnh tranh dài hạn cho các doanh nghiệp bán lẻ Singapore, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ cá nhân và F&B (thực phẩm và đồ uống).
Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến xu hướng bảo hộ và phân cực gia tăng, CNA cho rằng sự hợp tác giữa Singapore và Malaysia thông qua mô hình JS-SEZ đang cho thấy một hướng đi khác biệt khi đây là sáng kiến độc đáo và hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Singapore sau chuyến thăm, nhấn mạnh thành công của JS-SEZ sẽ phụ thuộc vào phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp. Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng giới doanh nghiệp sẽ có phản hồi tích cực khi các chi tiết triển khai được hoàn thiện, tạo điều kiện cho họ vận hành liền mạch giữa hai khu vực, theo The Straits Times.
Tác động xã hội của JS-SEZ Theo The Straits Times, JS-SEZ mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo xuyên biên giới. Theo thỏa thuận, hai nước sẽ tăng cường các chương trình đào tạo kỹ năng và giáo dục để thu hút nhân tài. Hai bên cũng cam kết thúc đẩy việc mở rộng thị trường cho các tổ chức tài chính. Malaysia sẽ cải thiện các chương trình thị thực hiện có, bao gồm DE Rantau Nomad Pass dành cho các chuyên gia số nước ngoài đủ điều kiện. Các cơ hội hợp tác mới cũng được mở ra trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. |
TRẦN ĐẮC LUÂN