Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine

.

Sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt kéo dài nhiều thập kỷ giữa Nga và Ukraine từ ngày 1-1-2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cục diện năng lượng châu Âu; đồng thời thử thách khả năng thích ứng của các nước Đông Âu và định hình lại các liên minh và phụ thuộc kinh tế trong khu vực.

Trong ngày đông lạnh giá tại Moldova, nữ sinh viên Cristina (21 tuổi) đang chuẩn bị cho tương lai bất định trước việc Nga ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu. “Tôi đã mua nến và máy phát điện”, cô nói với AFP. Nỗi lo của Cristina không phải không có cơ sở. Từ đầu tháng 12-2024, Moldova phải công bố tình trạng khẩn cấp 60 ngày để chuẩn bị cho việc hợp đồng vận chuyển khí đốt 5 năm giữa Nga và Ukraine sắp hết hạn vào ngày 1-1-2025. Đây không chỉ là thỏa thuận thương mại đơn thuần mà nó đánh dấu sự kết thúc của hơn 5 thập kỷ phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Mowcow, theo Reuters.

Tác động đã được cảm nhận ngay lập tức trên thị trường. Theo thông tin cập nhật ngày 1-1-2025 của TASS, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong một năm, lên tới 536 USD/1000 mét khối. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi ngày 30-12-2024 Gazprom tuyên bố ngừng cấp khí đốt cho Moldova từ ngày 1-1-2025 do tranh chấp về nợ.

Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ không ký một thỏa thuận mới để thay thế thỏa thuận cung khí đốt tự nhiên của Nga tới châu Âu qua đường ống quá cảnh ở Ukraine kết thúc vào đầu năm 2025. Slovakia, quốc gia phụ thuộc nhiều vào tuyến vận chuyển khí đốt này, có động thái cứng rắn. Thủ tướng Robert Fico, một trong số ít đồng minh của Kremlin trong EU, đã gửi thư tới Brussels, gọi quyết định của Ukraine là “hoàn toàn phi lý và sai lầm”, theo AFP. Ông thậm chí đe dọa cắt nguồn cung cấp điện mà Ukraine đang rất cần trong bối cảnh cơ sở hạ tầng năng lượng nước này bị tấn công liên tục trong gần ba năm qua.

Theo Reuters, việc chấm dứt vận chuyển khí đốt qua Ukraine đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên Moscow đã dành nửa thế kỷ xây dựng thị phần khí đốt tại châu Âu. Con số nói lên tất cả. Từ vị thế chiếm 35% thị trường khí đốt châu Âu trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine năm 2022, thị phần của Nga giảm xuống chỉ còn 8% cuối năm 2024. Lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine giảm mạnh từ 65 tỷ m3 năm 2020 xuống còn 14 tỷ m3 năm 2024. Tác động kinh tế là rất rõ ràng.

Theo Reuters, lần đầu tiên kể từ năm 1999, Gazprom, tập đoàn khí đốt nhà nước của Nga, ghi nhận khoản lỗ 7 tỷ USD trong năm 2023 bất chấp nỗ lực tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Ukraine cũng mất nguồn thu ước tính khoảng 800 triệu USD mỗi năm từ phí vận chuyển. Điều này cho thấy tính phức tạp của tình hình: ngay cả khi xung đột đang diễn ra, Nga và Ukraine vẫn duy trì hợp đồng vận chuyển khí đốt trong hai năm qua vì lợi ích kinh tế.

Trước tình hình này, Ủy ban châu Âu đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung bằng cách tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ; đồng thời tăng cường nguồn cung đường ống từ Na Uy nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Các quốc gia cũng đã có giải pháp riêng. Slovakia có thể nhận khí đốt từ Hungary (chiếm khoảng 1/3 nhu cầu), phần còn lại từ Áo và Cộng hòa Czech và Ba Lan. Moldova lên kế hoạch mua điện từ Romania và áp dụng biện pháp giảm tiêu thụ năng lượng ít nhất 1/3 từ ngày 1-1, theo Reuters.

Tuy nhiên, cái giá phải trả không hề nhỏ. Theo ước tính của Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người vừa có chuyến thăm Moscow vừa qua, EU có thể phải chịu tổn thất lên tới 120 tỷ euro trong giai đoạn 2025-2026, theo TASS. Chưa kể, chi phí năng lượng tăng cao đang ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của công nghiệp châu Âu so với Mỹ và Trung Quốc. Điều này góp phần gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng, lạm phát tăng cao và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Khi năm 2024 khép lại, sự kết thúc của kỷ nguyên khí đốt Nga tại châu Âu không chỉ là câu chuyện về năng lượng. Nó cho thấy cái giá của việc chấm dứt sự phụ thuộc kéo dài nhiều thập kỷ, đồng thời phản ánh những thay đổi sâu sắc trong quan hệ địa chính trị. Người đứng đầu Viện Jacques Delors tại Paris (Pháp) nhận định với AFP, thực tế này có thể dẫn đến sự bất mãn của người dân và gieo rắc bất hòa khắp châu Âu. Câu hỏi đặt ra là liệu châu Âu có thể duy trì sự đoàn kết trong quá trình chuyển đổi năng lượng này, hay những rạn nứt như trường hợp Slovakia sẽ ngày càng sâu sắc hơn.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.