Quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn trước những thách thức

.

Mối quan hệ Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trở nên bền chặt trong vài năm qua, song nhiều khả năng đối diện với những thách thức mới do vấn đề nội tại của các bên, đặc biệt dưới thời Trump 2.0 sắp đến.

Cuộc họp ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Lima (Peru) tháng 11-2024. Ảnh: AP/Manuel Balce Ceneta
Cuộc họp ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Lima (Peru) tháng 11-2024. Ảnh: AP/Manuel Balce Ceneta

Theo các nhà quan sát quốc tế, mối quan hệ ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc là một phần quan trọng trong hệ thống liên minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden, nhằm ứng phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong 4 năm qua, ông Biden cố gắng củng cố sự lãnh đạo và dẫn dắt của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua cách tiếp cận đa phương này.

Global Times dẫn nhận định của Giáo sư Li Haidong tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, do phần lớn quan hệ Mỹ - Hàn Quốc dựa trên lập trường ủng hộ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, nên tình hình bất ổn đang diễn ra trên chính trường nước này càng gây lo ngại về tương lai nhiều thách thức throng quan hệ với Mỹ. Ngoài ra, do các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ lâu nay giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, mối quan hệ vốn đã được cải thiện thông qua sự hòa giải của Mỹ cũng có thể bị tác động khi ông Trump chính thức trở lại Nhà Trắng ngày 20-1. Hơn nữa, sự ấm lên gần đây trong quan hệ Trung Quốc- Nhật Bản cũng khiến giới chức Mỹ phải dè chừng.

“Để tóm tắt liên minh Mỹ - Nhật - Hàn trong một cụm từ, tôi sẽ nói rằng họ là ‘bạn đồng hành kỳ lạ’. Họ dường như đang đi chung một đường, nhưng mỗi bên lại có chương trình nghị sự khác nhau”, Giáo sư Li Haidong nói với Global Times.

Bài nhận định mới đây trên Channel News Asia (CNA) càng làm rõ thêm nhận định trên. Theo đó, tình hình chính trị ở Hàn Quốc đang đứng trước những biến chuyển khó đoán. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ưu tiên cải thiện quan hệ với Nhật Bản khi ông nhậm chức vào năm 2022 và cả hai nước đã có bước tiến đáng kể tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử do ông Biden thúc đẩy vào năm 2023. Nhưng sau nỗ lực ban bố thiết quân luật gây tranh cãi, ý muốn này đã trở nên bất khả thi. Các chuyên gia cho rằng, nếu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập chính (DPK) Lee Jae-myung theo đường lối cánh tả tiến bộ có khả năng trở thành tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc, quan hệ ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ chịu tác động lớn.

Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Nhật Bản gần đây cũng xảy ra khúc mắc khi chính quyền Tổng thống Biden quyết định chặn thương vụ trị giá gần 15 tỷ USD với công ty Nhật Bản Nippon Steel mua lại nhà sản xuất thép mang tính biểu tượng của Mỹ US Steel. Theo Japan Times, ngày 13-1, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba lên tiếng mạnh mẽ thúc giục ông Biden đảo ngược quyết định này khi nó làm dấy lên mối quan ngại lớn trong cộng đồng doanh nghiệp không chỉ của Nhật Bản mà còn của Mỹ.

Nhận định về sự việc này, Giáo sư Li Haidong nói với Global Times rằng: “Quyết định mang tính chính trị này của Chính phủ Mỹ đi chệch khỏi nguyên tắc tự xưng của họ về nền kinh tế tự do và cởi mở, khiến các doanh nghiệp đồng minh của Mỹ thất vọng và gieo rắc những yếu tố bất hòa trong quan hệ với Nhật Bản. Không còn nghi ngờ gì nữa, quan hệ đồng minh do Mỹ lãnh đạo về cơ bản được xây dựng để phục vụ cho sự thống trị toàn cầu và các lợi ích cụ thể của riêng họ. Quan hệ này chưa bao giờ là mối quan hệ bình đẳng mà là sự tuân thủ và phục tùng”.

Lâu nay Mỹ, với tư cách là đồng minh chung của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, thường đóng vai trò cầu nối hoặc trung gian. Mặc dù liên minh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc là điều không thể, nhưng Mỹ đã chú trọng thúc đẩy hợp tác ba bên về vấn đề an ninh. Trong khi ông Biden nỗ lực đưa Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn thì trái lại ông Trump dường như sẽ không tham gia nỗ lực hòa giải những bất đồng giữa hai nước Đông Á này.

Theo CNA, sự chú ý của ông Trump ở Đông Á có thể sẽ tập trung vào Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông sẽ không quay lưng với Hàn Quốc hoặc Nhật Bản bởi ông hiểu rõ sự phản kháng trong cộng đồng chính sách đối ngoại của Mỹ đối với một sự chuyển hướng công khai như vậy sẽ rất dữ dội. Thay vào đó, chính quyền Trump 2.0 sẽ chỉ đơn giản sẽ có sự quan tâm nhạt nhòa hơn. Đáng chú ý, chính sách thương mại thời Trump 2.0 với tác động lan tỏa toàn cầu, có thể tác động đến cả đồng minh thân thiết của Washington ở Đông Bắc Á.

CNBC Internaitonal dẫn lời bà Soohyung Lee, thành viên hội đồng chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) lo ngại rằng, ảnh hưởng của biến động chính trị trong nước tới nền kinh tế Hàn Quốc có thể lắng xuống trong vòng nửa năm, nhưng những áp lực bên ngoài, đặc biệt là rủi ro thuế quan Mỹ, mới là vấn đề gây đau đầu.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.