Syria đang tăng cường nỗ lực tái thiết nhằm khôi phục hạ tầng, cải thiện đời sống người dân và tái lập ổn định sau thập kỷ xung đột. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng cam kết hỗ trợ tiến trình tái thiết ở quốc gia Trung Đông này.
Theo Reuters, ngày 7-1, sân bay quốc tế Damascus chính thức nối lại các chuyến bay quốc tế sau hơn 13 năm gián đoạn, với chuyến bay đầu tiên khởi hành tới thành phố Sharjah (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) và đón chuyến bay từ Doha (Qatar) hạ cánh tại sân bay này. Ông Ashhad Slaibi, người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng Syria, cho biết việc tái kích hoạt sân bay Damascus không chỉ giúp giảm chi phí di chuyển cho người dân mà còn tạo thuận lợi cho việc kết nối quốc tế. Trong tương lai gần, nước này lên kế hoạch khôi phục hoạt động tại sân bay Aleppo. Các hãng hàng không như Cham Wings đều lạc quan rằng Bộ Tài chính Mỹ sẽ sớm dỡ bỏ lệnh trừng phạt để họ tái khởi động các chuyến bay đến Baghdad, Erbil và Kuwait. Trong khi đó, các hãng hàng không của các quốc gia khác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến khởi động lại các chuyến bay thẳng đến Damascus.
Tín hiệu tích cực khác đối với kinh tế Syria là việc Mỹ vừa tuyên bố cho phép viện trợ nhiên liệu và điện cho Syria trong 6 tháng để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, sau khi lực lượng đối lập lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12-2024.
Theo China Daily, ngay sau tuyên bố của Washington, hai tàu phát điện từ Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đang trên đường đến Syria, cung cấp thêm 800 megawatt, tương đương 50% sản lượng điện hiện tại. Công suất này bằng khoảng một nửa tổng sản lượng điện hiện tại của Syria, và nguồn cung có thể tăng 50% khi các đường dây truyền tải điện đang được khẩn trương sửa chữa, qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân và thúc đẩy sản xuất. Tại nhà máy lọc dầu Baniyas, các kỹ sư đang tận dụng thời gian gián đoạn nguồn cung dầu thô để bảo trì thiết bị. Lô dầu thô mới được kỳ vọng sẽ sớm đến, giúp nhà máy khởi động lại và đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước. Về an ninh, lực lượng chức năng ưu tiên kiểm soát sự hỗn loạn và khôi phục trật tự công cộng.
Đầu tuần này, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã tạm dừng một số lệnh trừng phạt đối với các tổ chức chính phủ Syria để cho phép việc cung cấp các dịch vụ công và hỗ trợ nhân đạo. Theo Al Jazeera, bộ trưởng thương mại mới của Syria gần đây cho biết Damascus không thể thực hiện các thỏa thuận nhập khẩu nhiên liệu, lúa mì và các mặt hàng thiết yếu khác do lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ, mặc dù nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia Arab vùng Vịnh, muốn làm như vậy.
Do đó, ngày 7-1, Ngoại trưởng trong Chính phủ chuyển tiếp tại Syria, Asaad Hassan al-Shibani kêu gọi Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ hoàn toàn tất cả các lệnh trừng phạt hiện hành vốn là trở ngại chính cho sự phục hồi của Syria. Đây là bước đi quan trọng bởi lẽ một khi Washington đi đầu trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, Liên minh châu Âu và các nước đồng minh phương Tây khác chắc chắn sẽ có động thái tương tự.
Giới chức Syria đang nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế sau nhiều năm xung đột vũ trang. Theo số liệu từ các tổ chức quốc tế, 90% người Syria đang sống dưới mức nghèo khổ, trong khi khoảng 27% nhà ở và cơ sở hạ tầng công cộng đã bị phá hủy. Nhiều tổ chức quốc tế ước tính quốc gia này cần hàng trăm tỷ USD cho công cuộc khôi phục kinh tế.
Việc khôi phục lòng tin của công chúng là điều cần thiết cho sự thành công của quá trình chuyển đổi, vì vậy chính phủ mới phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thực hiện những thay đổi có tác động rõ ràng và hữu hình đến cuộc sống của người dân. Giải quyết các cuộc khủng hoảng sinh kế và bảo đảm cung cấp lương thực, nước, hàng hóa cơ bản, nhiên liệu, giao thông vận tải, thông tin liên lạc và điện là cách duy nhất để thực hiện điều này. Bên cạnh đó, việc khôi phục các dịch vụ y tế cũng đang được đặt lên hàng đầu trong chương trình tái thiết đất nước giữa lúc tình trạng thiếu hụt thuốc men và các cơ sở khám, chữa bệnh bị hư hại nghiêm trọng do xung đột kéo dài.
THƯ LÊ