.

Châu Âu với quỹ cứu trợ 996 tỷ USD

Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khởi sự từ năm 2008 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu. Đối với châu Âu, nhiều nền kinh tế  lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng như Đức, Anh, Pháp, Italia. Thậm chí nhiều nước như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…với món nợ công khổng lồ, làm lung lay chính phủ đương nhiệm.

Liên minh châu Âu (EU) và  nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã có hàng loạt các cuộc Hội nghị Thượng đỉnh để tìm các biện pháp cứu nguy các nền kinh tế đứng trước nguy cơ sụp đổ và khắc phục từng bước những tác động của sự suy thoái. Các gói cứu trợ hàng trăm tỷ USD đã được tung ra để giúp Hy Lạp, Ireland. Đồng thời EU cũng tính đến việc hình thành gói cứu trợ lâu dài để có khả năng ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế bùng phát trở lại. Sau nhiều Hội nghị, Thủ tướng Luxembourg  Jean-Claude Juncker cho biết các Bộ trưởng Tài chính châu Âu ngày 21-3 đã đạt được sự đồng thuận về các phương thức của Cơ chế Ổn định châu Âu, một dạng quỹ cứu trợ tài chính thường trực với số vốn cơ bản lên tới 700 tỷ euro (996 tỷ USD) nhằm tránh để tái diễn các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.
 
Sau cuộc thảo luận giữa 27 nước thành viên EU ở Brussels, ông Juncker, người hiện là Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính của 17 nước sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), nói: “Chúng tôi đã nhất trí về tất cả nội dung của Cơ chế Ổn định Châu Âu... Cơ chế này sẽ có vốn cơ bản là 700 tỷ euro “, trong đó 80 tỷ sẽ được đóng góp trước và các nước thành viên Eurozone cam kết đóng sau 620 tỷ euro nhằm đảm bảo tỷ lệ tín dụng cao nhất có thể. Cơ chế Ổn định châu Âu của các nước Eurozone, thay thế cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ euro hiện nay từ ngày 1-1-2013, ra đời dựa trên một thỏa thuận giữa các nước Eurozone giống như EFSF. Cơ chế Ổn định châu Âu có thể mua vào trái phiếu do các chính phủ Eurozone phát hành nhằm thúc đẩy khu vực tài Chính công, song kèm theo đó là những điều kiện nghiêm ngặt như các nước Eurozone phải tiến hành thương lượng một cách cụ thể.

Trong khi đó, tiếp theo các cuộc biểu tình phản đối xảy ra ở Hy Lạp, những ngày qua, hàng chục nghìn người thuộc các nghiệp đoàn của  Bồ Đào Nha đã tổ chức cuộc tuần hành ở Lisbon để phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ nước này, nhằm xử lý món nợ công khổng lồ. Bồ Đào Nha hiện có tỷ lệ thất nghiệp là 11,2% và được coi là có nguy cơ cần trợ giúp tài chính như Hy Lạp và Ireland do chi phí vay mượn cao.

Có nhiều chỉ trích cho rằng các chính sách của Chính phủ Bồ Đào Nha đang “đẩy người dân tới nghèo khổ và thảm cảnh”. Sự giận dữ và nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, một cuộc khủng hoảng dường như đã tới mức không thể ngăn chặn được, không chỉ có ở Bồ Đào Nha mà đang lan tràn khắp châu lục: Công nhân đình công làm hàng loạt nhà máy ở Bồ Đào Nha phải đóng cửa; Ireland phải cắt giảm chi tiêu mạnh nhất trong lịch sử; sinh viên ở Italia và Anh đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình chống cắt giảm ngân sách giáo dục. Trường hợp Tây Ban Nha cũng đáng lo ngại khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương thừa nhận những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Ireland đang đè nặng lên khoản nợ của Tây Ban Nha.

Các nền kinh tế lớn đang phải vật lộn với các khoản thâm hụt ngày càng phình ra sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu buộc nhiều quốc gia phải ra tay giải cứu các ngân hàng, trong khi cuộc suy thoái nghiêm trọng sau đó cũng làm giảm doanh thu thuế. Đây là vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo EU. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc khủng hoảng chính trị  trầm trọng ở Trung Đông và Bắc Phi, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh ở Libya có sự nhúng tay của nhiều nước EU, tác động xấu tới kinh tế toàn cầu, sẽ gây thêm nhiều khó khăn.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.