Nền chính trị Thái Lan tiếp tục đứng trước những thử thách đan xen, khi mà các chính đảng, nhất là mâu thuẩn giữa phe “Áo vàng - PAD” và phe “Áo đỏ - UDD”, không thể tìm được tiếng nói chung để thực hiện tiến trình hòa hợp dân tộc, kể từ sau vụ đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006 đến nay.
Sau các vụ đàn áp đẫm máu người biểu tình do UDD tổ chức trên đường phố Bangkok trong năm 2009 và 2010, đến nay tuy có bớt căng thẳng, nhưng đây đó vẫn diễn ra các cuộc biểu tình cả PAD và UDD thực hiện, gây áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Abhisit. Tâm điểm để tháo ngòi nổ cho các cuộc biểu tình chống đối là vấn đề giải tán Hạ viện, tiến hành bầu cử, để lập nên chính phủ mới. Thủ tướng Thái Lan Abhisit dự định sẽ tuyên bố giải tán Hạ viện vào ngày 3-5 tới, ngày diễn ra phiên họp Nội các Thái Lan, mở đường cho tiến hành tổng tuyển cử ở xứ “chùa Vàng” có thể vào cuối tháng 6 hay đầu tháng 7.
Trong tuần này, Quốc hội Thái Lan sẽ xem xét ba luật liên quan đến bầu cử và nếu các luật đó được nhanh chóng thông qua, Hạ viện sẽ được giải tán sớm trước khi tiến hành tổng tuyển cử. Theo quy định của luật pháp Thái Lan, tổng tuyển cử diễn ra sau 45-60 ngày kể từ khi giải tán Hạ viện. Ba luật trên - liên quan đến việc bầu chọn các nghị sĩ và thượng nghị sĩ, hoạt động của các chính đảng và Ủy ban bầu cử phù hợp với những thay đổi trong Hiến pháp sửa đổi và để tạo điều kiện cho Ủy ban bầu cử tổ chức hiệu quả cuộc tổng tuyển cử. Thủ tướng Abhisit cho rằng sự cạnh tranh giữa các đảng có thể sẽ quyết liệt nhưng tỏ ý hy vọng bạo lực sẽ không xảy ra trong chiến dịch tranh cử, với các đảng phái không theo đuổi cách tiếp cận hòa bình sẽ bị trừng phạt theo luật định.
Tuy nhiên, phát biểu trên bục diễn thuyết đêm 23-3, Thủ lĩnh PAD, ông Sondhi Limthongkul, nêu rõ PAD sẽ tiến hành chiến dịch vận động nhân dân không đi bỏ phiếu đồng thời đề nghị nhánh chính trị của phong trào là đảng Chính trị mới (NPP) không đưa ứng cử viên tham gia trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông Sondhi cho rằng tổ chức bầu cử là không cần thiết vì các chính trị gia sẽ làm mọi điều phi đạo đức và chuẩn mực để tranh giành quyền lực. Nếu chính phủ tổ chức bầu cử theo kế hoạch, PAD sẽ đề nghị cử tri trên cả nước biểu thị sự phản đối bầu cử bằng cách bỏ phiếu trắng. Ông Sondhi cũng tuyên bố mọi thành viên của đảng NPP, dù là Chủ tịch Somsak Kosaisuk hay Tổng Thư ký Suriyasai Katasila, đều phải từ bỏ hàng ngũ của PAD nếu phản đối chủ trương này. Ngược lại, UDD coi việc giải tán Hạ viện, tiến hành bầu cử là cơ hội để họ lật ngược tình thế, nắm quyền lãnh đạo đất nước sau vụ thất sủng của cựu Thủ tướng Thaksin.
Đấy là tuyên bố đầy khó khăn và thách thức cho chính phủ của Thủ tướng Abhisit nếu ông muốn thông qua bầu cử để giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này. Theo PAD, lịch sử các cuộc bầu cử ở nước này đầy rẫy những tiêu cực mà các chính trị gia, các đảng phái sử dụng để có được phiếu bầu từ cử tri. Trong khi đó luật bầu cử không chặt chẽ, tạo ra lỗ hỗng lớn cho tiến trình thiết lập một nền dân chủ thật sự.
Diễn biến có liên quan, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngày 23-3 một lần nữa phủ nhận tin đồn sẽ sớm xảy ra một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Thủ tướng Abhisit . Trước đó có tin đồn không rõ nguồn gốc rằng quân đội sẽ tiến hành một cuộc đảo chính nhằm ngăn cản cuộc tổng tuyển cử mà Thủ tướng Abhisit đã cam kết tổ chức trong năm nay. Phó Thủ tướng phụ trách an ninh của Thái Lan Suthep Thaugsuban hồi đầu tháng cũng đã bác bỏ tin đồn này, nhưng đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự trong tiến trình bầu cử.
Tình hình đó đang đặt ra cho Thủ tướng Abhisit và lực lượng ủng hộ ông một bài toán không dễ dàng hóa giải.
Nguyên Châu