.

Tăng ngân sách quốc phòng

Ấn  Độ  là quốc gia nằm trong nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi. Đi  liền với sự phát triển kinh tế, Ấn Độ cũng đầu tư khá lớn nguồn tài chính cho quốc phòng, để nâng cao sức mạnh phòng thủ và các mối đe doạ an ninh từ các nước láng giềng. Những năm gần đây, ngoài  việc tăng cường kho vũ khí hạt nhân, thử nghiệm nhiều loại tên lửa đạn đạo, kể cả có mang đầu đạn hạt nhân, New Delhi đã ký hàng loạt các hợp đồng mua sắm vũ khí, bao gồm máy bay, xe tăng, tàu ngầm, tàu khu trục tấn công… với các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Israel trị giá lên đến cả trăm tỷ USD.

Trong dự luật ngân sách tài khóa 2011-2012 đang được thảo luận tại Quốc hội, Chính phủ Ấn Độ đề xuất chi phí dành cho Bộ Quốc phòng là 36 tỷ USD.

Như vậy, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ trong tài khóa mới sẽ chiếm 2,18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện ở mức 1.600 tỷ USD của nước này. Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee cho biết bộ này sẵn sàng xem xét khoản chi bổ sung (như trong tài khóa trước đã bổ sung thêm 1 tỷ USD) cho việc mua sắm các thiết bị vũ khí để hiện đại hóa quân đội.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ngân sách trên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mục tiêu hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Theo họ, Ấn Độ sẽ gặp nguy hiểm nếu phải đối phó với các nước thù địch trong khu vực đang phát triển vũ khí với quy mô lớn. Ủy ban Thường trực của Quốc hội Ấn Độ phụ trách lĩnh vực quốc phòng đã khuyến nghị tăng ngân sách quân sự lên mức 3-3,5% GDP trong trường hợp quân đội cần nhanh chóng hiện đại hóa. Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony trước đây cũng từng yêu cầu dành 3% GDP cho quân đội. Trong khi đó, Trung Quốc vừa tuyên bố ngân sách quốc phòng của nước này trong năm 2011 tăng 12,7% lên mức 91,5 tỷ USD. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ ấn định mức chi ngân sách quân sự của mình là 36 tỷ USD. Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh nói tính theo tỷ trọng so với GDP, chi phí quốc phòng của Trung Quốc chỉ chiếm 1,4% GDP của nước này, thấp hơn so với Ấn Độ - hơn 2%?!

Diễn biến khác có liên quan, phát biểu trong cuộc họp báo tại New Delhi , ông Sivathanu Pillai, Giám đốc chương trình tên lửa BrahMos hợp tác phát triển giữa Ấn Độ và Nga, tuyên bố phiên bản tên lửa siêu thanh có tầm bắn 290km dành cho tàu ngầm này sẽ được phóng thử vào cuối năm nay. Cuộc phóng thử sẽ được tiến hành tại một cơ sở của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) ở bãi thử liên hợp (ITR) tại vùng Balasore thuộc bang Orissa, miền Đông-Bắc Ấn Độ. Cũng tại ITR, cách đây 2 năm, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa K-15 Shaurya tầm bắn 700km có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trang bị cho tàu ngầm. Tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân được phóng từ dưới mặt nước được coi là phương tiện hiệu quả nhất trong việc tiến hành đòn tấn công hạt nhân thứ hai (đánh trả hạt nhân) và là vũ khí răn đe đầy uy lực. Ấn Độ đang đẩy mạnh xây dựng lực lượng tầu ngầm nhằm tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân, trong đó có việc tự đóng tàu ngầm hạt nhân INS Arihant và thuê tàu ngầm Akula-II của Nga.

Ông Pillai cho biết thêm Ấn Độ có kế hoạch lắp tên lửa BrahMos trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mà nước này đang hợp tác phát triển với Nga. Hiện loại tên lửa này đang được triển khai cho lực lượng máy bay chiến đấu SU-30 MKI của Ấn Độ.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.