.

Truất quyền nghị sĩ của Sam Rainsy

Sam Rainsy, đồng thời là Chủ tịch Đảng mang tên ông SRP, đã có những hành động phá hoại khi ngày 29-10-2009 đi tới vùng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia để phá bỏ các cột tiêu phân giới cắm mốc được hai nước xác định, gây phản ứng mạnh mẽ dư luận trong nước và quốc tế. Sau khi các cơ quan bảo vệ  pháp luật Campuchia tiến hành điều tra và truy tố, ông Sam Rainsy đã chạy ra nước ngoài cư trú. 

Căn cứ vào hành vi phạm pháp, Tòa án Campuchia đã đưa vụ án ra xét xử bị kết án vắng mặt hai năm tù giam vào ngày 27-1-2010 vì tội phá hoại sau khi nhổ các cột tiêu phân giới cắm mốc với Việt Nam. Trong một vụ án khác, Tòa án thành phố Phnom Penh cũng kết án ông Sam Rainsy 10 năm tù giam vì tung tin giả, công bố bản đồ biên giới giả với Việt Nam và kích động bạo lực. Mới đây tòa án tối cao đã đưa ra xét xử lần cuối.

Từ nước ngoài, Sam Rainsy  đã tiến hành các cuộc vận động và nhờ các nước châu Âu can thiệp để ông không bị tòa án Campuchgia kết tội và được trở về nước. Thậm chí ông Sam Rainsy còn đề nghị Quốc vương can thiệp với Chính phủ Hoàng gia để cho ông được xóa tội. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Sam Rainsy đều thất bại, vì các hành vi phạm tội của ông làm tổn hại tới lợi ích quốc gia, tới quan hệ với các nước láng giềng, gây mất ổn định chính trị trong nước.

Không những bị kết án tù , một tuyên bố của Quốc hội Campuchia cho biết thủ lĩnh đảng đối lập chính cùng tên, ông Sam Rainsy, ngày 15-3 đã bị tước bỏ ghế Nghị sĩ  Quốc hội. Tuyên bố được Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin ký cùng ngày khẳng định theo các quy định của Quốc hội, luật nghị sĩ và phán quyết hôm ngày  1-3 của tòa án tối cao, Quốc hội Campuchia quyết định bãi nhiệm ghế nghị sĩ quốc hội đại diện cho tỉnh Kampong Cham của ông Sam Rainsy.

Các nhà quan sát chính trị nhận định quyết định trên của Quốc hội Campuchia  là một đòn mạnh đánh vào uy tín không chỉ đối với ông Sam Rainsy mà cả SRP  trong cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào năm 2013. Nó còn cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật nước này, dù ông Sam Rainsy là nghị sĩ Quốc hội, nhưng vi phạm pháp luật đều bị xét xử, bị tước quyền miễn trừ, bãi miễn nghị sĩ.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.