Quan sát & Bình luận

Câu hỏi từ thảm kịch ở Địa Trung Hải

07:52, 23/04/2015 (GMT+7)

Thảm kịch kinh hoàng xảy ra hôm 19-4 trên vùng biển Địa Trung Hải với cái chết của hơn 800 người di cư là tâm điểm chú ý của cộng đồng thế giới trong những ngày qua.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), số nạn nhân chết trong vụ đắm tàu ngày 19-4 đã nâng tổng số người di cư bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải kể từ đầu năm đến nay lên 1.750 người, gấp 30 lần so với cùng thời gian này năm ngoái. Nếu tính từ đầu năm 2014 đến nay, gần 5.000 người đã thiệt mạng trên biển khi tìm cách nhập cư trái phép vào Liên minh châu Âu (EU). Cũng trong khoảng thời gian này, khoảng 200.000 người di cư đã đến Ý sau khi được các lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển của quốc gia châu Âu này cứu sống.

Làn sóng người nhập cư trái phép từ các nước châu Phi tràn vào EU trong những năm gần đây đã trở thành điểm nóng của thế giới. Vậy đâu là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề?

Trước hết, phải nói là tình hình bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia khu vực Trung Đông, nhất là châu Phi hạ Sahara, là nhân tố hàng đầu thúc đẩy dòng người ra đi ngày càng đông. Bởi lẽ, xung đột tôn giáo, sắc tộc, chiến tranh biên giới diễn ra triền miên làm cuộc sống của nhiều người dân rơi vào sự bấp bênh, lo sợ.

Hơn thế, trong những năm qua, tình trạng bạo loạn, lật đổ và thay đổi liên tiếp các chính quyền do các cuộc “cách mạng màu” diễn ra ở Ai Cập, Lybia, Syria… đã làm hàng chục triệu người không có nhà ở, không có việc làm và đói khát. Gần đây là sự hình thành Nhà nước Hồi giáo (IS) cực kỳ tàn bạo, hà khắc, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân, khiến họ không có con đường nào khác hơn là tìm đến nơi an toàn để có cuộc sống ổn định.

Thứ hai, nạn đói nghèo ở các nước châu Phi do kinh tế chậm phát triển, sản xuất lương thực không bảo đảm nhu cầu cuộc sống. Nhiều chương trình viện trợ lương thực, thực phẩm hay đầu tư phát triển… của các nước giàu dành cho các nước nghèo không thực hiện đúng cam kết đã làm nhiều nước không thể giải quyết được tình trạng khan hiếm lương thực cũng như tạo việc làm cho người lao động.

Thứ ba, việc tuần tra, kiểm soát và đấu tranh với các đường dây buôn người của EU không đủ mạnh để ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp. Các nhật báo của Pháp ngày 22-4 đưa ra bằng chứng cho thấy nỗ lực của châu Âu giảm sút: chiến dịch giám sát và cứu hộ trên biển của Ý mang tên Mare Nostrum đã được thay thế bằng Triton - một chiến dịch của châu Âu, quy mô nhỏ hơn gấp 3 lần và chưa tới ½ số thành viên châu Âu tham gia. Điều đó có nghĩa là nhiều thành viên EU đã phó mặc tình trạng nhập cư trái phép tràn vào vùng biển Ý.

Giải quyết vấn đề di cư nói trên là bài toán khá hóc búa và khẩn cấp của EU, nhất là 3 nước có cùng bờ biển: Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Song, cốt lõi là phải giải quyết cho được tình trạng bất ổn về chính trị đang diễn ra ở các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Xung đột vũ trang, chiến tranh liên miên đã đẩy người dân vào con đường cùng và họ buộc phải lựa chọn ra đi là cách để cứu cánh.

Nạn đói nghèo cũng là nhân tố hàng đầu thúc đẩy hàng triệu người muốn đi tìm miền đất hứa. Trước đây, Libya là quốc gia giàu có, ổn định, là nơi đến lý tưởng cho hàng vạn người tìm cuộc sống và việc làm tốt. Tuy nhiên, từ khi chính quyền Gaddafi bị lật đổ, quốc gia này rơi vào chiến tranh, đã biến thành cửa ngõ cho sự ra đi của hàng vạn người. Nhật báo Le Monde (Pháp) có bài viết ví Libya như  “quả bom di cư ở miền nam châu Âu” là vậy.

Trước những diễn biến nói trên, nhiều nước EU đã thực thi hàng loạt biện pháp ngăn chặn như: chiến dịch phối hợp giữa các nước có chung đường biên giới với bên ngoài, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải. Song, do mỗi nước có những chính sách giải quyết người nhập cư trái phép khác nhau nên đến nay, EU vẫn loay hoay với bài toán hóc búa này.

TUYẾT MINH

.