Đi cũng dở, ở không xong

Chính trường Thái Lan trong những ngày qua dậy sóng với việc cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bí mật rời khỏi đất nước trước khi Tòa án Tối cao ra phán quyết đối với bà.

Giống như anh trai mình - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bà Yingluck khi vận động tranh cử cũng như khi nắm quyền lãnh đạo đất nước đã áp dụng chính sách dân túy nên nhận được nhiều ủng hộ từ vùng nông thôn phía bắc và đông bắc. Một trong những chính sách này là chương trình trợ giá gạo cho nông dân, gây thiệt hại cho đất nước ít nhất 8 tỷ USD. Vì vậy, nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể nhận mức án 10 năm tù.

Song, bất kể phán quyết cuối cùng như thế nào cũng sẽ làm dấy lên phản ứng giận dữ từ phe ủng hộ cựu Thủ tướng. Nếu bà Yingluck được tuyên trắng án, phía phản đối sẽ cảm thấy bất mãn; họ sẽ trút cơn giận lên Tòa án Tối cao và cả chính phủ.

Cả hai cách nói trên đều sẽ làm bùng phát các cuộc biểu tình của phe “Áo vàng” hay “Áo đỏ” và tất yếu dẫn đến các cuộc xung đột như nó từng xảy ra. Đặc biệt, điều này lại diễn ra trong thời điểm nhạy cảm của Thái Lan. Đó là tháng 10 tới, Thái Lan dự kiến tổ chức hỏa táng di hài Nhà vua Bhumibol Adulyadej quá cố. Chính phủ muốn có sự bình yên toàn vẹn trên toàn đất nước để không ảnh hưởng đến sự kiện này.

Hãng BBC nhận định: Chính trường Thái Lan vốn bị chia rẽ sâu sắc và phân cực trong vòng 12 năm qua. Quân đội và phe bảo thủ không có khả năng làm giảm danh tiếng của gia đình Shinawatra, trong khi những người nhà dòng họ Shinawatra cũng chưa thể quay lại vị trí đỉnh cao mà họ từng có. Do vậy, giả thuyết cuối cùng được đặt ra là hoặc một trong hai phía phải chịu tổn hại, hoặc sẽ có đàm phán. Việc đàm phán được giới quan sát đánh giá là không khả thi ở thời điểm này. Trong khi đó, cũng chưa thể rõ ràng tình thế hiện nay báo hiệu sự khởi đầu hay kết thúc tầm ảnh hưởng của gia đình Shinawatra. Đây chính là nút thắt xuất hiện trước giờ tòa đưa ra phán quyết dành cho bà Yingluck.
Đối với cựu Thủ tướng Yingluck, bà cũng đặt ra tình thế “đi thì cũng dỡ, mà ở cũng không xong”. Bởi lẽ, bà Yingluck ra đi, chính quyền nước này sẽ bị những người ủng hộ phê phán, thậm chí dẫn đến mất lòng tin của họ; trong khi những người ủng hộ bà mất đi một người luôn chăm lo, giúp đỡ người nghèo… Mặt khác, với sự ra đi của bà, ảnh hưởng của dòng họ Shinawatra sẽ giảm sút và mục tiêu trở lại chính trường trở nên xa vời.

Tuy nhiên, nếu bà Yingluck không ra đi thì sẽ khó tránh khỏi bản án 10 năm tù giam, điều mà ông Thaksin cũng như dòng họ Shinawatra không hề mong muốn.

Do vậy, nhiều nhận định khác nhau về sự ra đi bất ngờ của bà Yingluck, trong đó có ý kiến cho rằng, giới quân sự đã “bật đèn xanh” cho sự đào thoát này và đó là giải pháp tối ưu đối với chính phủ quân sự Thái Lan, ít nhất trong thời điểm hiện nay. Với bà Yingluck, đây cũng là phương cách được cho là tạm thời hợp lý để không phải đối diện với nhà tù, dù tài sản bị tịch thu lên tới 35 tỷ baht nhằm bồi thường cho những thiệt hại do chương trình trợ giá gạo gây ra.

Khi bị khởi tố điều tra, bà Yingluck bị lực lượng cảnh sát và an ninh Thái Lan theo dõi chặt chẽ. Thế nên, thật khó tưởng tượng bà có thể ra khỏi lãnh thổ quốc gia này mà chính quyền không hề hay biết. Việc người anh của bà - ông Thaksin - từng trốn thoát vào năm 2008 khi bị tòa tuyên án cũng là bài học mà chính quyền nước này đều nắm rõ…

Bởi vậy, sự ra đi bất ngờ của bà Yingluck đã và đang dấy lên nhiều câu hỏi rằng, điều gì đang xảy ra trong chính trường Thái Lan và tương lai chính sự của quốc gia này như thế nào trong thời gian đến.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.