Thế giới thoát khỏi thảm họa hạt nhân tiềm ẩn

“Bóng ma” về một cuộc đối đầu quân sự dẫn đến nguy cơ thảm họa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã kéo dài nhiều thập niên qua. CHDCND Triều Tiên cũng như Mỹ cùng các nước liên quan khác đã tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc để một mặt thổi bùng “bóng ma hạt nhân”, mặt khác lại tìm mọi cách ngăn chặn nó.

Nhìn lại chặng đường gần 70 năm qua, nhất là từ đầu thế kỷ 21 đến nay, tình hình bán đảo Triều Tiên luôn “nóng”. Cứ sau mỗi lần Triều Tiên thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo, Mỹ và Bình Nhưỡng lại “khẩu chiến” tưng bừng, Nhật Bản và Hàn Quốc thì đầy âu lo.

Thậm chí, có những lúc Mỹ đưa các tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân cùng các loại vũ khí tối tân khác để vừa tiến hành tập trận với Hàn Quốc, vừa bắn đi tín hiệu một cuộc đối đầu quân sự sẽ xảy ra nếu Triều Tiên vượt giới hạn. Ngược lại, Bình Nhưỡng lớn tiếng cho rằng, nước Mỹ và các đồng minh của Washington sẽ đón nhận thảm họa hạt nhân nếu đe dọa an ninh của quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ và cộng đồng quốc tế tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm vào Triều Tiên để buộc nước này chấm dứt chương trình hạt nhân.

Cũng có giai đoạn thông qua đàm phán, Triều Tiên chấp nhận cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát chương trình hạt nhân và đã tiến hành phá hủy lò phản ứng hạt nhân để nhận viện trợ, giải tỏa bao vây cấm vận, nhưng rồi chuyện cũng đâu vào đấy một cách đáng lo ngại.

Đặc biệt, đàm phán 6 bên (Mỹ, Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc) diễn ra mấy năm liền với nhiều cuộc gặp, đưa ra những hướng đi mới cho vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, nhưng cuối cùng rơi vào im lặng.

Đến đầu năm 2018, nhất là sau cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bàn Môn Điếm, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thật sự ló dạng. Thông qua Seoul, Bình Nhưỡng bắn tín hiệu với Washington về một cuộc gặp cấp cao giữa đôi bên để bàn thảo trực tiếp.

Rồi sau những gì được gọi là “chông gai”, “trắc trở”, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã diễn ra tại Singapore vào ngày 12-6. Tuyên bố chung đạt được chỉ trong vòng 5 tiếng thảo luận. Sự kiện mang ý nghĩa lịch sử này càng cho thấy, với các bất đồng, dù lớn lao, phức tạp đến mấy, thì vẫn có thể thông qua đối thoại để hóa giải.

Bởi vậy, ngay sau khi kết thúc cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trên Twitter, Tổng thống Donald Trump viết: “Thế giới đã có một bước đi lớn thoát khỏi thảm họa hạt nhân tiềm ẩn. Không còn những vụ phóng tên lửa, những vụ thử nghiệm hay nghiên cứu hạt nhân”. Còn nhà lãnh đạo Triều Tiên cho hay, “thế giới sẽ được chứng kiến một sự thay đổi lớn lao” và hai nhà lãnh đạo đã “quyết định gác lại quá khứ”. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ: “Thỏa thuận đạt được tại Singapore giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ kết thúc cuộc xung đột cuối cùng của thời Chiến tranh Lạnh”…

Những nhận định, đánh giá đó cho thấy “bóng ma hạt nhân” trên bán đảo Triều Tiên đang trong tiến trình bị loại trừ. Đương nhiên, để hiện thực hóa Tuyên bố chung, Mỹ - Triều Tiên cũng như các bên liên quan sẽ còn rất nhiều việc phải làm cả trước mắt lẫn lâu dài. Nhưng việc thông qua Tuyên bố chung Mỹ - Triều là nhân tố quyết định, mở đường cho quá trình hóa giải mọi khúc mắc xung quanh vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, từng bước tiến tới bình thường hóa các mối quan hệ song phương và đa phương, nhanh chóng kiến tạo một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.