Nội chiến ở Nhà Trắng

Sau gần 2 năm ông Donald Trump làm chủ nhân Nhà Trắng, không ít người từng là đội ngũ thân cận trong cuộc vận động tranh cử, hay các nhân vật mới được bổ nhiệm vào nội các đã rời nhiệm sở vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có những người bất đồng quan điểm hay cách điều hành của ông. Song, chưa bao giờ Nhà Trắng lại xảy ra “cuộc nội chiến” như hồi tuần qua làm rúng động chính trường Mỹ.

Ngày 5-9, bài báo mà tác giả là “một quan chức cao cấp của chính phủ” cùng một nhóm phản kháng ngầm đăng trên tờ New York Times tố cáo tổng thống “không nắm được các hồ sơ”, “đầy bản năng chết chóc”, “do dự đến mức đồng bóng”, “thiện cảm thái quá với các lãnh đạo độc tài”, “kỳ thị giới tính bẩm sinh” và “tàn nhẫn”…

Cùng ngày, tờ Wahington Post công bố nhiều trang của cuốn sách sắp ra mắt của nhà báo Bob Woodward mang tên “Fear: Trump in the White House” (tạm dịch: Sợ hãi: Ông Trump trong Nhà Trắng), trong đó mô tả những quan chức “có tâm” của nội các và Nhà Trắng nỗ lực ngăn ông Trump đưa ra những quyết sách hủy hoại kinh tế và an ninh quốc gia. Cuốn sách mở đầu bằng câu chuyện cựu Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn trộm tài liệu của ông Trump giữa phòng Bầu dục, và kết thúc bằng lá đơn từ chức của ông John Dowd - luật sư của tổng thống vì không thể tiếp tục đại diện cho “một kẻ dối trá”.

Một đoạn trích của cuốn sách cho hay, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly gọi nơi ông làm việc là một “thị trấn điên rồ” và “không hiểu vì sao mọi người lại đến đây”. Một phần khác của cuốn sách cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hoài nghi về năng lực của nhà lãnh đạo 72 tuổi…

Không biết vô tình hay cố ý, nhưng cùng thời điểm, cả tờ Wahington Post lẫn New York Times đều đăng tải những vấn đề “gây bão” liên quan đến chủ nhân Nhà Trắng, trong đó cho thấy những người thân cận nhất của Tổng thống Trump đang mất lòng tin với ông.

Với hai sự kiện truyền thông đó, “quả bom” Woodward có sức công phá lớn hơn nhiều, được ví như một “bom tấn”. Quả “bom tấn” đã được kích nổ khi Tổng thống Trump cùng ê-kíp không chịu học thuộc kinh nghiệm từ những người tiền nhiệm: Đừng né tránh hay nói dối với Bob Woodward! Bởi lẽ, Woodward là nhà báo kỳ cựu của Washington Post, là một tên tuổi lớn của báo chí Mỹ mà các tổng thống đều biết tiếng và cũng rất e ngại.

Bình luận về diễn biến nói trên, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon dành phần lớn thời gian cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters để đề cập “cuộc chiến ngầm” chống lại Tổng thống Trump trong Nhà Trắng. Theo ông Bannon, bài viết trên tờ New York Times cho thấy nguy cơ Tổng thống Trump đối mặt với đảo chính. Trong bài báo, tác giả giấu tên khẳng định một số quan chức Nhà Trắng đang bắt tay nhau chống lại chương trình nghị sự và ngầm chống lại các chính sách của Tổng thống Trump. “Những gì mọi người thấy trong thời gian qua là rất nghiêm trọng. Đây là cuộc tấn công trực tiếp vào thể chế. Đó rõ ràng là một cuộc đảo chính”, ông Bannon bình luận.

Trong khi đó, ông Trump “nổi trận lôi đình”, liên tiếp chỉ trích tờ Wahington Post và New York Times, đồng thời chỉ đạo tìm kiếm tác giả bài viết và Bộ Tư pháp phải điều tra. Khi cuốn sách của Bob Woodward lên kệ bán ngày 11-9, ông Trump tiếp tục cuộc tấn công phủ đầu, cho rằng nội dung cuốn sách chỉ là “trò đùa”.

Trong khi đó, Nhà Trắng khoanh vùng 12 người bị nghi là tác giả của bài viết. Một số nhân viên Nhà Trắng nghi ngờ nhân viên của phó tổng thống cung cấp thông tin cho bài báo gây sóng gió này. Thậm chí, một số nhà phê bình suy đoán Phó Tổng thống Mike Pence có thể là “quan chức chính quyền cấp cao” đã viết quan điểm trong bài bình luận vì cách dùng từ trong bài viết tương tự cách ông Pence từng viết.

Theo GS Robert Shapiro về khoa học chính trị ở Đại học Columbia, trong bối cảnh Tổng thống Trump mất uy tín trầm trọng, có thể Điều 25 của Hiến pháp Mỹ sẽ được sử dụng để phế truất tổng thống. Tuy nhiên, khả năng này rất ít xảy ra vì cần phải được sự ủng hộ của phó tổng thống và sau đó là sự chấp thuận của 2/3 nghị sĩ lưỡng viện. Viễn cảnh phế truất tổng thống sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ (vào đầu tháng 11 tới). Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump hiện chỉ còn 40%, nhưng điều đáng chú ý là tỷ lệ ủng hộ của cử tri truyền thống đảng Cộng hòa đối với ông Trump rất ít thay đổi.

Có thể nói, nội chiến trong Nhà Trắng lần này xuất phát từ hai phía “nội công, ngoại kích” bởi “những người khổng lồ truyền thông” của nước Mỹ. Chính giới Mỹ đang nghĩ tới “bóng ma” Watergate không bao giờ chết và đạo luật bổ sung thứ 25 là một răn đe đối với bất kỳ tổng thống nào (nếu không muốn bị phế truất).

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.