Nga "phá băng" các dòng chảy khí đốt

.

Nga là quốc gia hàng đầu thế giới về năng lực sản xuất dầu mỏ và khí đốt. Thống kê năng lượng thế giới của Tập đoàn dầu mỏ BP (Anh) công bố đầu năm 2017 cho biết, xuất khẩu “vàng đen” của Nga đạt mức 8,6 triệu thùng/ngày, trong khi xuất khẩu khí đốt đạt mức 204,8 tỷ m3.

Song, khủng hoảng ở đông Ukraine, cùng sự “băng giá” trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và một số nước phương Tây đã làm dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu quá cảnh qua Ukraine bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có lúc gián đoạn.

Trước tình hình đó, Nga đã vạch ra chiến lược nhằm tìm các đường đi khác để cung cấp khí đốt cho các đối tác. Vượt qua hàng loạt tác động tiêu cực khách quan cũng như trở ngại chủ quan, đặc biệt là vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay quân sự Nga gần biên giới Syria, từ năm 2017 đến nay, Moscow và Ankara vẫn quyết định cùng đầu tư và triển khai dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” trị giá 7 tỷ euro (khoảng 7,4 tỷ USD). Đây là dự án được Nga coi trọng vì nó thay thế dự án “Dòng chảy phương Nam” vốn chạy qua bán đảo Balkan nhưng bị hủy bỏ vào cuối năm 2014.

Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” gồm 2 tuyến đường ống dẫn, công suất mỗi nhánh hơn 15 tỷ m3 khí đốt, chạy dưới Biển Đen từ khu vực Anapa của Nga tới làng Kiyikoy của Thổ Nhĩ Kỳ ở độ sâu khoảng 2km, mỗi đường ống dài 930km, do Tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga Gazprom xây dựng. Theo thiết kế, toàn bộ khí đốt tuyến thứ nhất sẽ cung cấp nhiên liệu xanh cho người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến thứ hai cho các nước Nam Âu và Đông Nam Âu.

Ngày 19-11 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cùng dự lễ khánh thành tuyến đường ống dưới biển thuộc dự án đường ống khí đốt tự nhiên TurkStream. Đoạn đường ống mới được hoàn thành là bước tiến mới trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án này được cho là sẽ biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm quan trọng về khí đốt của châu Âu cũng như nâng cao vị thế địa chính trị của nước này.

Một dòng chảy không kém phần quan trọng là dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” có sự tham gia của Tập đoàn Gazprom cùng 5 công ty châu Âu bao gồm: Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Dutch Shell của liên danh Anh - Hà Lan và 2 công ty của Đức là Uniper và Wintershall với giá trị 9,5 tỷ euro. Dự án có 2 đường ống dẫn khí, công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/năm, từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine.

Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sundland cho rằng: “Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án địa chính trị, sẽ đặt châu Âu vào thế yếu. Khi châu Âu ở thế yếu thì người Mỹ cũng sẽ trở nên suy yếu. Chúng tôi không muốn xảy ra tình trạng khí đốt bị cắt vào mùa đông vì khủng hoảng. Chúng tôi không muốn người châu Âu bị rơi vào tình huống này. Chúng tôi vẫn chưa sử dụng hết các phương tiện để cản trở quá trình thực hiện dự án…”.

Ukraine, Ba Lan - 2 nước sử dụng nhiều khí đốt của Nga - cũng phản đối mạnh mẽ dự án, bởi lo ngại việc bảo đảm an ninh năng lượng cũng như những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu.

Nếu Nga giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine, có thể dẫn đến hậu quả số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ sang châu Âu bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nhấn mạnh “Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án hoàn toàn thương mại. Bình luận về những tuyên bố nói trên của Đại sứ Mỹ, ông Grushko nhắc lại rằng, lịch sử hợp tác giữa EU và Nga trong lĩnh vực khí đốt đã có bề dày hơn 50 năm. Theo ông, sự hợp tác này “đã chứng minh tính khả thi và sự liên quan của nó đối với tất cả người dân châu Âu”.

Việc đa dạng hóa các dòng chảy khí đốt trước áp lực của Mỹ cũng như khủng hoảng chính trị với một số nước có liên quan cho thấy chiến lược “phá băng” trong chính sách năng lượng của Nga đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu chính đáng của các nước trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.