"Ngày đen tối" của ngành dầu mỏ

.

Việc hai nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais ở Saudi Arabia bị tấn công bằng máy bay không người lái đặt ra hàng loạt các câu hỏi lớn.

Một là, nguồn cung dầu mỏ sẽ như thế nào? Trước mắt, 6% lượng sản xuất dầu của toàn cầu “bốc hơi”, giá dầu trên thế giới đột ngột biến động... Nhiều quốc gia đưa ra kế hoạch để đối phó. Mỹ chuẩn bị sẵn sàng sử dụng nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược để ổn định nguồn cung ứng năng lượng toàn cầu. Nhật Bản cân nhắc mở kho dầu dự trữ chiến lược và các biện pháp khác nếu cần để bảo đảm nguồn cung đầy đủ. Dự kiến Saudi Arabia sẽ trở lại mức 11 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 9 và 12 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, việc trở lại mức 11 triệu thùng/ngày là mục tiêu tham vọng, nếu tính đến mức độ hư hại tại các nhà máy cần phải sửa chữa.

Hai là, thủ phạm là ai? Ngay sau vụ tấn công, phong trào Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm nhưng Saudi Arabia và Mỹ cho rằng, Iran đứng sau vụ này. Chính phủ Iran vẫn phủ nhận sự liên quan và cho rằng, Washington đang viện lý do để trả đũa nước Cộng hòa Hồi giáo. Báo The Wall Street Journal dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, thông tin tình báo Mỹ chia sẻ với Saudi Arabia cho rằng, vụ tấn công được phát động từ Iran, sử dụng hơn 10 tên lửa và khoảng 20 máy bay không người lái. Dù vậy, theo một quan chức Saudi Arabia, báo cáo của Mỹ không cung cấp đủ bằng chứng thuyết phục về sự can dự của Tehran. Tối 18-9 (giờ địa phương), Saudi Arabia công bố bằng chứng về sự liên quan của Iran, về vai trò của Tehran cũng như các loại vũ khí được sử dụng.

Ba là, có xảy ra chiến tranh hay không? Dù cho rằng “có vẻ như Iran đứng sau các vụ tấn công nhà máy dầu ở Saudi Arabia”, nhưng Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh ông không muốn phát động một cuộc chiến tranh với Tehran. Suốt 16 tháng qua, Tổng thống Trump theo đuổi chính sách “duy trì sức ép tối đa” lên Tehran, bắt đầu bằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào quốc gia này. Tuy nhiên, chính sách của Mỹ phản tác dụng khi Tehran thực hiện hàng loạt động thái đáp trả cứng rắn, bao gồm gia tăng cấp độ làm giàu uranium và bắn hạ máy bay không người lái (UAV) của Washington. Giờ đây, có vẻ ông chủ Nhà Trắng phải nỗ lực thuyết phục Iran trở lại đàm phán hơn là phát động chiến tranh.

Có thể nói, 14-9 là “ngày đen tối” với ngành dầu hỏa. Báo The Wall Street Journal thậm chí gọi vụ tấn công là “trận động đất lớn”. Thiệt hại của vụ này còn lớn hơn cả so với năm 1991, thời điểm chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất xảy ra; và lực lượng của Tổng thống Iraq Saddam Hussein phóng hỏa, đốt 600 giếng dầu của Kuwait. Chiến dịch đốt phá giếng dầu gây ô nhiễm môi trường, nhưng không thực sự đẩy giá dầu thế giới lên cao.

Vào những năm 2000, Al- Qaeda tung hoành và nhắm vào các cơ sở dầu khí của Saudi Arabia. Nhưng với sự trợ giúp của tình báo Mỹ, Riyadh đã phá vỡ nhiều âm mưu của Al-Qaeda, đặc biệt là vụ gài thuốc nổ tại cảng Abqaiq.

Giờ đây, vụ tấn công các nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia có khiến an ninh năng lượng của thế giới bị đe dọa? Các nhà quan sát cho rằng, nếu các cơ sở này không được sửa chữa nhanh chóng, việc gián đoạn nguồn cung có thể làm giảm 7,4 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của Saudi Arabia trong 3 quý tới, tương đương 5% nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế. Nếu tiếp tục xảy ra các vụ tấn công khác vào các mỏ dầu và đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia - thành viên chủ chốt của OPEC, cung cấp 10% sản lượng dầu thô thế giới, nguy cơ gián đoạn nguồn cung sẽ lớn hơn rất nhiều.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.