Mỹ - Trung khó gỡ "nút thắt" thương mại

.

Trong hai ngày 10 và 11-10, tại Washington, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ 13 nhằm gỡ “nút thắt” cho chiến tranh thương mại giữa hai nước kéo dài suốt 15 tháng qua. Đây là cuộc đàm phán cấp cao với sự hiện diện của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Steven Mnuchin.

Trải qua 12 vòng đàm phán đầy “sóng gió”, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trên nhiều vấn đề cốt lõi. Sau mỗi lần đàm phán thất bại, Mỹ tung đòn thuế quan vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và Bắc Kinh lại đáp trả.

Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến thương mại với Mỹ đang tác động lớn đến kinh tế Trung Quốc. Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 15-7 vừa qua công bố số liệu cho thấy, kinh tế nước này tăng trưởng 6,2% trong quý 2-2019, mức thấp nhất trong 27 năm qua do các tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc thông báo cắt giảm thuế với quy mô lớn có giá trị lên tới gần 2.000 tỷ NDT (291 tỷ USD) và hạn ngạch 2.150 tỷ NDT trái phiếu đặc biệt do chính quyền các địa phương phát hành nhằm thúc đẩy hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và dự định thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không giúp Nhà Trắng khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động về trong nước. Thậm chí, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bị sụt giảm trên quy mô thế giới và dĩ nhiên gây tác động đến nền kinh tế Mỹ.

Hiện tại, Tổng thống Mỹ không ở thế mạnh như hồi mùa xuân. Ông kiên quyết buộc Bắc Kinh khuất phục, nhưng nếu tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ cũng chịu thiệt thòi và có thể gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán phố Wall.

Rủi ro này quá lớn đối với chủ nhân Nhà Trắng, trong khi chỉ còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống. Thế nhưng, ông Trump đã bác bỏ ý tưởng về một “thỏa thuận tạm thời” và sẽ nâng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, áp dụng từ ngày 15-10 nếu đàm phán không tiến triển.

Mặt khác, Mỹ cũng khơi mào cho cuộc chiến thương mại bằng hàng rào thuế quan 25% vào nhiều hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD từ ngày 8-10 để trừng phạt các nước thuộc khối này đã trợ cấp trái phép cho Airbus. Đáp trả, EU đang kiện Mỹ về hành động tương tự đối với hãng máy bay Boeing.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo tranh chấp thương mại đang làm suy yếu kinh tế toàn cầu. Theo bà Georgieva, xung đột thương mại đang gây ra những tổn thất lan rộng, kéo dài và có thể thu hẹp GDP toàn cầu 0,8%, tương đương 700 tỷ USD, gần 90% các nước dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm nay.

Giới quan sát lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, chấm dứt chiến tranh thương mại là bước đi khẩn cấp. Tuy nhiên, vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần thứ 13 này xem ra còn lắm chông gai, trắc trở. Ngay trước ngày ông Lưu Hạc đến Washington, Bộ Thương mại Mỹ đưa 28  đơn vị an ninh và doanh nghiệp của Trung Quốc vào “danh sách đen” thương mại, áp đặt hạn chế thị thực đối với một số quan chức Bắc Kinh.

Có những nguồn tin cho biết, Nhà Trắng đang cân nhắc các biện pháp mới để hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, nếu sự việc này xảy ra thì sẽ là một điểm xung đột mới trong cuộc đối đầu kinh tế giữa hai bên. Ông Trump cũng từng tuyên bố không cần một thỏa thuận với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước kỳ bầu cử. Vì thế, triển vọng đạt được đột phá trong vòng đàm phán thứ 13 là rất thấp.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.