Luật Biển quốc tế bị đe dọa ở Biển Đông

.

Trung Quốc đang ngày càng tập trung mọi nguồn lực để chiếm ưu thế và áp đặt sức mạnh của mình nhằm tìm cách thiết lập một hiện trạng mới trên Biển Đông. Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) lưu ý những bước tiến dài trên thực địa về khả năng tác chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cho rằng, Trung Quốc trong vài năm trở lại đây đã thực hiện chiến dịch từng bước qua “nhiều giai đoạn” nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông nhanh chóng.

Đến cuối năm 2017, Trung Quốc triển khai các khí tài quân sự tân tiến ra các đảo nhân tạo, như đưa máy bay quân sự ra các bãi Subi và Vành Khăn; cho các máy bay vận tải và tuần tra biển hạ cánh lên Bãi Chữ Thập; đưa những tên lửa hành trình đầu tiên ra một số đảo ở Trường Sa; thiết lập các thiết bị phá sóng; gia tăng nhanh chóng các bệ phóng tên lửa trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam.

Đi đôi với những hành động nói trên, Trung Quốc đã huy động tàu khảo sát và hàng trăm tàu khác hỗ trợ để mở các chiến dịch quy mô lớn nhằm quấy rối, đe dọa các hoạt động dầu khí của Việt Nam, Malaysia…, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Những hành động của Trung Quốc dẫn tới mối đe dọa về an toàn đối với tuyến hàng hải và hàng không của thế giới ở khu vực Biển Đông.

Trước những diễn biến đó, phát biểu tại New Delhi về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp ngày 18-11, Đô đốc Christophe Prazuck, Tư lệnh Hải quân Pháp cho rằng, “Luật Biển quốc tế” đang bị đe dọa ở Biển Đông, và điều đó đã thúc đẩy Paris “thường xuyên đến Biển Đông” vì muốn cổ vũ cho quyền tự do hàng hải. Đô đốc Prazuck nói rằng, Trung Quốc đang bành trướng sự hiện diện quân sự trong khu vực, nhưng Pháp cũng là một tác nhân quyết tâm phát huy một trật tự trên cơ sở tôn trọng luật lệ quốc tế tại Biển Đông. Đô đốc Prazuck giải thích thêm về các hoạt động của chiến hạm Pháp trong khu vực: “Có nhiều cách hành xử khác nhau ở Biển Đông. Trước hết, tại sao chúng tôi lại đến đó 6-7 lần trong năm? Đó là vì luật quốc tế về biển bị đe dọa... Chúng tôi không muốn can dự vào các tình hình khu vực liên quan đến các đảo, nhưng chúng tôi đến và sẽ tiếp tục bằng hành động của mình, hậu thuẫn cho quyền tự do hàng hải”.

Trong chuyến thăm Philippines và Việt Nam ngày 19 và 20-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng đưa ra thông điệp: Washington không để Trung Quốc dùng vũ lực “cưỡng ép và đe dọa” các nước trong vùng. Theo đó, Hải quân Mỹ sẽ gia tăng tuần tra tại Biển Đông, không chấp nhận bất kỳ nước nào dùng sức mạnh phục vụ quyền lợi riêng, đe dọa quyền tự do hàng hải cũng như con đường huyết mạch của thương mại quốc tế.

Báo The Hindu của Ấn Độ dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Rajnath Singh bày tỏ hy vọng kết quả của các cuộc đàm phán tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) mới đây sẽ dẫn đến việc tuân thủ mọi luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; thúc đẩy hoạt động tự do đi lại, bay qua không phận và thương mại hợp pháp tại Biển Đông.

Luật sư Pierre Schifferli, chuyên gia về luật pháp quốc tế liên quan tranh chấp chủ quyền trả lời phỏng vấn của TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ) đã nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, trong các vấn đề tại Biển Đông. Theo luật sư Schifferli, các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đều ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải. Mọi hành vi của Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế hay quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các nước khác ở Biển Đông đều bị cộng đồng quốc tế lên án.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.