Người lao động Pháp nổi giận

.

Khẩu hiệu hàng đầu để Tổng thống Emmanuel Macron giành thắng lợi trong cuộc chạy đua vào Điện Élysée cách đây 2 năm chính là giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có cải cách lương hưu, y tế, giáo dục và đời sống của người dân nhằm tạo ra luồng sinh khí mới cho nước Pháp.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện các mục tiêu đã cam kết, ông Macron gặp những thách thức lớn. Việc chính phủ quyết định tăng giá xăng dầu để giảm lượng khí thải nhà kính vấp phải sự phản đối của nông dân Pháp, hình thành phong trào Áo vàng với các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng trên cả nước. Biểu tình không diễn ra ôn hòa như truyền thống của người Pháp, mà biến thành bạo động trên đường phố Paris và nhiều thành phố khác, làm bị thương nhiều người, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, trật tự công cộng. Không những thế, các hành động tấn công cướp phá ngang nhiên ngay tại Paris đã làm xấu hình ảnh nước Pháp, vốn được coi là thân thiện, văn minh và yên bình. Sự chia rẽ chính trị cũng xuất hiện khi các đảng đối lập tìm cách lôi kéo người biểu tình.

Tổng thống Macron đã huy động hàng vạn cảnh sát, lực lượng an ninh để giữ gìn trật tự, ngăn chặn những người biểu tình gây bạo loạn. Chính phủ rót hơn chục tỷ euro để xoa dịu công luận và mở các cuộc đối thoại, tham khảo ý kiến người dân, hủy bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong dự toán ngân sách năm 2019. Tuy nhiên, phong trào Áo vàng vẫn chưa chịu lùi bước.

Trong khi đó, ông Macron vẫn chịu áp lực lớn về vấn đề cải cách lương lưu và y tế. Hiện tại, kế hoạch cải tổ chế độ hưu trí mới chỉ là bản dự thảo rất chung chung và chính phủ đang tiếp tục đàm phán với các nghiệp đoàn để chi tiết hóa một số điểm quan trọng, nhất là ấn định tuổi nghỉ hưu, thời gian làm việc cần thiết để được hưởng chế độ hưu toàn phần...

Một trong những điểm gai góc nhất của cuộc cải cách này là chính phủ muốn xóa bỏ một số chế độ đặc biệt về lương hưu, những ưu đãi có từ thế kỷ trước mà chỉ nhân viên đường sắt và một số ngành nghề hay ngạch công chức được hưởng. Đây là điểm mà các nghiệp đoàn quyết giữ bằng được. Các nghiệp đoàn cũng lập luận rằng, chế độ lương hưu sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công lẫn tư nhân phải làm việc lâu hơn, hoặc đối mặt với việc bị giảm lương hưu.

Thăm dò do các hãng truyền thông Pháp thực hiện cho thấy, các cuộc đình công, biểu tình lần này không đơn thuần chỉ vì vấn đề cải cách lương hưu và một số vấn đề khác của chính phủ, mà sâu xa hơn là những bất bình trong xã hội đang chồng chất, từ giới cảnh sát đến giáo viên và sinh viên học sinh; từ nhân viên làm việc tại các tòa án, đến bác sĩ, y tá, hộ lý ở các bệnh viện công... đã thúc đẩy họ lần lượt xuống đường. Thành ra, mục tiêu tạo ra luồng sinh khí mới cho nước Pháp không còn theo quỹ đạo như ông Macron mong muốn, mà gây ra một ngã rẽ khác đầy phức tạp, đó là các cuộc biểu tình chống chính phủ. Nhiều người biểu tình kiên quyết tiếp tục xuống đường cho đến khi kế hoạch cải cách lương hưu bị hủy bỏ hoàn toàn.

Một nghịch lý là đa số người dân Pháp đồng tình với việc cải cách hệ thống lương hưu, nhưng lại đồng tình với các cuộc đình công, biểu tình. Nhà báo Thomas Legrand chuyên phân tích về chính trị Pháp cho hay, không thể chối cãi là “đa số” người dân không còn tin tưởng chính phủ của ông Macron nữa, nên nhất cử nhất động của bên hành pháp đều bị hoài nghi. Đây là một áp lực vô cùng to lớn mà ông Macron phải tìm cách hóa giải để tạo đà cho cuộc chạy đua vào Điện Élysée nhiệm kỳ đến.

TUYẾT MINH

 
;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.