Thỏa thuận hạt nhân Iran rất mong manh

.

Tháng 5-2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, các nước còn lại như Anh, Nga, Đức, Pháp và Trung Quốc đã tìm mọi cách nhằm cứu vãn JCPOA.

Tuy nhiên, hàng loạt biến cố liên quan đến Iran, nhất là sau sự kiện Mỹ sát hại Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 3-1 vừa qua làm Tehran tức giận và tuyên bố tiếp tục hủy bỏ các cam kết JCPOA, gia tăng làm giàu uranium nhằm phát triển vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn nhất. Động thái của Iran làm cộng đồng quốc tế lo ngại, các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức lúng túng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi Iran tuân thủ JCPOA bởi điều này có ý nghĩa quan trọng.

Đến ngày 14-1, Anh, Pháp, Đức kích hoạt quy trình giải quyết tranh chấp và nếu các quốc gia này xúc tiến các thủ tục tranh chấp thì có thể dẫn tới khả năng khôi phục các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran. Tuy nhiên, Anh, Pháp, Đức không muốn JCPOA đổ vỡ nên khẳng định vẫn tuân thủ các cam kết, đồng thời bày tỏ quyết tâm làm việc với tất cả các bên còn lại để bảo vệ thỏa thuận. Anh, Pháp, Đức sẽ không tham gia chiến dịch tăng cường áp lực tối đa với Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo các quốc gia này, động thái của ông Trump khiến Iran không được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Tehran mong đợi, khiến nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo này càng thêm khốn đốn.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Iran bác bỏ quyết định của các quốc gia châu Âu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân và gọi đây là hành động “tiêu cực”. Iran cũng khẳng định sẵn sàng xem xét mọi nỗ lực mang tính xây dựng để bảo vệ thỏa thuận. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và nhấn mạnh đây là một trong “những thỏa thuận tốt nhất”. Ông Zarif bày tỏ hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận lâu dài với Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump trong vấn đề hạt nhân.

Theo JCPOA, Iran chấp thuận hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran. Nếu JCPOA sụp đổ hoàn toàn thì nguy cơ xung đột sẽ gia tăng và vấn đề hạt nhân của Iran sẽ khó đoán định hơn bao giờ hết.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.