Châu Âu đối mặt khủng hoảng di cư lần 2

.

Chiến dịch tấn công của quân đội Syria được Nga hậu thuẫn tại tỉnh Idlib vào giữa tháng 2 vừa qua nhằm vào lực lượng khủng bố và phe chống đối chính phủ do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đã đẩy gần 1 triệu thường dân dồn về khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, gây đảo lộn kế hoạch của Ankara.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ quân sự, thiết lập vùng không phận an toàn, nhưng không được đáp ứng.
Ngày 28-2 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tuyên bố mở cửa biên giới. Kể từ đó, hàng chục nghìn người di cư đổ về khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp nhằm tìm cách đến châu Âu. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm gây áp lực để EU phải chi thêm tiền hoặc ủng hộ các mục đích địa chính trị của Ankara trong cuộc xung đột ở Syria.

Theo thỏa thuận di cư năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí ngăn chặn dòng người di cư để đổi lấy 6 tỷ euro (khoảng 6,8 tỷ USD) tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, Ankara cho biết không nhận được toàn bộ số tiền trên và những cam kết khác cũng không được thực thi, trong đó có các quy định thương mại và thị thực.
Ngày 10-3, Tổng thống Erdogan đến Brussels (Bỉ) gặp các nhà lãnh đạo EU để bàn về vấn đề người di cư và gặp người đứng đầu NATO để tìm kiếm sự ủng hộ quân sự đối với vấn đề Syria. Ông Erdogan sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về người di cư tại Istanbul vào ngày 17-3 với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, đồng thời nhấn mạnh Ankara không xem xét việc đóng cửa biên giới với châu Âu và Hy Lạp cần mở các cửa khẩu.

Tổng thống Erdogan cũng nhiều lần nhắc lại “giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria là châu Âu phải ủng hộ ông trong việc chống lại Tổng thống Bashar al-Assad”, nghĩa là nếu muốn giải quyết khủng hoảng di cư thì châu Âu cần ủng hộ những giải pháp của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Đây là đòi hỏi tất yếu của ông Erdogan, nhất là trong bối cảnh quân đội Syria do Nga hậu thuẫn đang ngày càng thắng thế trên chiến trường. Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng hàm ý sẽ thương lượng lại thỏa thuận 2016 và chi phí kiểm soát di dân phải do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quản lý chứ không do các tổ chức phi chính phủ.

Có thể nói, áp lực di cư lần hai làm trỗi dậy nỗi ám ảnh của cả châu Âu về cuộc khủng hoảng di dân xảy ra cách đây 5 năm. Thời điểm đó, dòng người ùn ùn đổ về châu Âu từ khắp mọi ngả đường, khiến “lục địa già” rúng động và lúng túng. Từ căng thẳng về bản sắc dân tộc, giải quyết việc làm, nơi ở… cho đến các cuộc tấn công khủng bố theo kiểu “sói đơn độc” đã làm dấy lên trào lưu chủ nghĩa dân túy trên khắp châu lục, thúc đẩy sự bất ổn xã hội.

Hiện có khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria đang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ và người di cư từ nhiều nước. Những người tị nạn đều coi Ankara là điểm trung chuyển trong hành trình đến châu Âu. Vì thế, khi Tổng thống Erdogan ra tối hậu thư và để ngỏ biên giới, các nhà lãnh đạo EU hết sức lo ngại, họp khẩn và đang tìm kiếm những biện pháp để xoa dịu Ankara, nhất là trong bối cảnh 27 nước thành viên của khối này đang đối phó với Covid-19. Sự mặc cả của Ankara đang đặt châu Âu vào thế khó!

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.