Mỹ ngừng tài trợ cho WHO giữa đại dịch

.

Trong lúc đại dịch Covid-19 lan tràn làm gần 2 triệu người mắc bệnh và hơn 126.000 người tử vong, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính phủ của ông sẽ tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Lý do được ông Trump đưa ra là: “WHO không thể làm tròn nghĩa vụ cơ bản của mình và tổ chức này phải chịu trách nhiệm. Dịch bệnh lẽ ra phải được ngăn chặn từ nguồn khởi phát của nó nếu tổ chức này sớm có phản ứng hợp lý”.

Ngay khi Trung Quốc công bố dịch bệnh, WHO đã chậm cử đoàn tới Vũ Hán đến đánh giá. Hơn thế, WHO cũng loại quan chức Mỹ tham gia phái đoàn đến Trung Quốc. Khi phái đoàn đến Bắc Kinh, Tổng Giám đốc WHO không có mặt ở Vũ Hán để xem xét tình hình. 

Trong các cuộc họp trực tuyến thượng đỉnh G7 và Ngoại trưởng G7 hồi tháng 3 vừa qua, Mỹ chỉ trích Trung Quốc và WHO, đồng thời gọi tên đại dịch này là “virus Vũ Hán”.

Mặt khác, Mỹ hiện có hơn 600.000 người mắc bệnh và 26.000 người tử vong, đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái nghiêm trọng. Điều này càng khiến chính phủ Mỹ tức giận với WHO hơn bao giờ hết.

Một nhân tố không kém phần quan trọng khác để ông Trump đưa ra quyết định là email do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đài Loan (Trung Quốc) gửi cho WHO vào ngày 31-12-2019 đề cập đến “viêm phổi không điển hình” - gợi nhớ đến SARS, lây truyền qua tiếp xúc với con người. Thế nhưng, WHO phớt lờ những cảnh báo này. Đến ngày 14-1-2020, WHO tiếp tục nhắc lại “không có bằng chứng mầm bệnh mới lạ có thể lây truyền từ người sang người” và từ chối cung cấp thông tin đầy đủ về cách chống lại virus.

Tổng thống Donald Trump nói rằng, Mỹ sẽ điều tra về vai trò của WHO trong việc che giấu thông tin và không quản lý được sự lây lan của SARS-CoV-2. “Mỹ cấp kinh phí cho WHO từ 400 - 500 triệu USD mỗi năm trong khi Trung Quốc chỉ đóng góp 40 triệu USD. Là nước bảo trợ chính cho WHO, Mỹ có nghĩa vụ buộc tổ chức này chịu trách nhiệm về một trong những quyết định nguy hiểm và tốn kém của mình, đó là việc phản đối các giới hạn đi lại đối với Trung Quốc và những quốc gia khác. WHO đã phản đối mọi quyết định của Mỹ”, ông Trump nói. Đóng góp của Mỹ chiếm 15% tổng ngân sách của WHO.

Trước đó, ngày 7-4, ông Trump viết trên Twitter rằng, vì lý do nào đó, WHO có được tài trợ phần lớn từ Mỹ nhưng lại đang hướng về Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng cũng từng tìm cách cắt giảm đóng góp của Mỹ cho WHO trước cả khi dịch bệnh bùng phát. Trong dự thảo ngân sách đề xuất cho năm 2021, chính phủ Mỹ đã đề nghị cắt giảm khoản đóng góp tự nguyện cho WHO xuống còn khoảng 58 triệu USD.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ gây ra những phản ứng trái chiều. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định cần duy trì các nguồn lực hỗ trợ WHO và hiện không phải lúc cắt giảm các nguồn lực cho chiến dịch của WHO hay bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống Covid-19.

GS. Amesh Adalja thuộc Trung tâm An toàn sức khỏe thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng, cải tổ WHO là cần thiết, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra sau khi thế giới đã giải quyết xong đại dịch. Chuyên gia cấp cao Jeremy Konyndyk tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, trụ sở ở Washington nhận định, quyết định cắt ngân sách không liên quan đến việc WHO đã làm hay không làm gì mà chủ yếu nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những phản ứng lúng túng và chậm chạp ban đầu của chính phủ Mỹ trước Covid-19.
Ông Jack Chow, Đại sứ Mỹ về ứng phó HIV/AIDS toàn cầu dưới thời Tổng thống George W.Bush cho rằng, hành động của Tổng thống Trump “tạo ra khủng hoảng giữa khủng hoảng, sẽ làm suy yếu phản ứng toàn cầu ở vào một thời điểm vô cùng bấp bênh”.

Đứng trước nhiều áp lực, nhất là từ người dân và giới chính trị trong nước về tình hình dịch bệnh, tất nhiên ông Trump có những lý do của mình. Quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng là giọt nước tràn ly xung quanh những tranh cãi qua lại giữa Mỹ, WHO và Trung Quốc về phản ứng của cơ quan y tế thế giới này trước Covid-19.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.