Giấc mộng 5G của Huawei bị ngăn chặn

.

Huawei là tập đoàn công nghệ số 1 của Trung Quốc, là nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất và cũng là nhà sản xuất smartphone (điện thoại thông minh) lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt, Huawei đang dẫn đầu công nghệ 5G cùng Nokia Corp (Phần Lan), LM Ericsson (Thụy Điển) và kỳ vọng trở thành nhà cung cấp trên quy mô toàn cầu do giá thành rẻ.

Tuy nhiên, khi Mỹ - Trung bước vào cuộc chiến tranh thương mại gay gắt, quan hệ hai nước rơi xuống mức thấp nhất, Washington liên tiếp đưa ra hàng loạt cáo buộc Bắc Kinh hoạt động gián điệp, đánh cắp công nghệ của Mỹ, gây phương hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia… nên áp đặt trừng phạt hàng loạt công ty, tập đoàn sản xuất của Trung Quốc.

Gần đây, Mỹ liên tiếp tung ra các đòn trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Huawei. Đòn giáng có ảnh hưởng nặng nề nhất là Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 chính thức ra lệnh cấm bán silicon được sản xuất bằng công nghệ Mỹ cho Huawei.

Đây được xem là đòn đánh thẳng vào trung tâm bộ máy bán dẫn của Huawei cũng như vào những tham vọng rất lớn của tập đoàn này trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến các dịch vụ di động. Kho dự trữ chip cần thiết cho các thiết bị viễn thông của Huawei có thể sẽ cạn kiệt vào đầu năm 2021. “Gã khổng lồ công nghệ” của Trung Quốc có lẽ không ngờ có một ngày họ rơi vào tình thế viễn cảnh không có linh kiện để sản xuất.

Mỹ cũng vận động, kể cả gây sức ép với các đồng minh tẩy chay công nghệ 5G của Huawei, thậm chí thuyết phục Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - con gái của chủ tập đoàn Huawei. Mặt khác, Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các nước khác để họ mua thiết bị viễn thông thế hệ tiếp theo từ những nhà cung cấp phương Tây và tránh mua sản phẩm của Huawei.

Mới đây, tờ Folha de Sao Paulo (Brazil) dẫn lời Đại sứ Mỹ Todd Chapman cho biết, Washington đang đàm phán với Brazil về khả năng cung cấp tài chính cho các công ty viễn thông của nước này để họ mua các thiết bị 5G. Washington cũng đang đàm phán với các nước khác về nội dung tương tự.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đang vạch kế hoạch loại bỏ công nghệ của Huawei khỏi mạng 5G sau những cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của Washington có thể ngăn cản tập đoàn Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn của Mỹ và buộc tập đoàn này phải sử dụng những nguồn cung rủi ro hơn.

Trong khi đó, thị trường mạng 5G của Pháp cũng không mấy khả quan đối với Huawei. Pháp “sẽ không cấm hoàn toàn” Huawei tham gia thị trường mạng 5G nhưng những điều kiện được đặt ra cho thấy điều ngược lại.

Ông Guillaume Poupard, Tổng Giám đốc Cơ quan An ninh các hệ thống thông tin (Anssi) của Pháp, nhấn mạnh: “Đối với các nhà cung cấp viễn thông đến nay không sử dụng Huawei, chúng tôi khuyến khích họ tiếp tục đi theo hướng này… Còn những tập đoàn đã sử dụng, chúng tôi sẽ cấp giấy phép có thời hạn từ 3-8 năm”.

Căn cứ vào những điều kiện mà Pháp sẽ đưa ra, có thể thấy trang thiết bị 5G của Huawei khó có thể được sử dụng rộng rãi trong thị trường 5G của Pháp. Về lý thuyết, thiết bị viễn thông 5G của Huawei không bị cấm, nhưng giấy phép có hiệu lực từ 3-8 năm là một trở ngại cho các nhà cung cấp viễn thông Pháp, vì phải cần khoảng 8 năm để khấu hao đầu tư trang thiết bị. Theo nhật báo kinh tế Les Echos, thời hạn ngắn ngủi đó sẽ khiến các nhà cung cấp viễn thông Pháp chùn bước và chuyển sang Ericsson hoặc Nokia - 2 đối thủ của Huawei.

Khi khẳng định “không cấm hoàn toàn Huawei”, Pháp tránh làm phật lòng Trung Quốc vì ngay từ tháng 2-2020, Đại sứ quán Trung Quốc ở Paris từng “hy vọng” vào phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron và nhiều quan chức cấp cao khác rằng Paris sẽ không đưa ra những biện pháp phân biệt nhắm vào một nước hoặc một doanh nghiệp cụ thể nào, cũng như không loại trừ Huawei. Nhưng không chờ đến lúc Pháp chính thức thông báo những quyết định mới thì Bắc Kinh đã tỏ ý bất bình, kêu gọi Paris duy trì môi trường “công bằng và không phân biệt” đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Diễn biến trên cho thấy, Mỹ vẫn quyết liệt gây sức ép từ mọi phía với Huawei trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng vì đại dịch Covid-19.

 TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích