Thổ Nhĩ Kỳ - "kẻ phá bĩnh" khôn ngoan

.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đang trong tiến trình đàm phán để gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhất là trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Ankara đã có những bước đi quyết đoán, gây nên cơn sóng ngầm.

Trong quan hệ với Nga - Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ luôn giữ thế cân bằng và khoảng cách nhất định với cả Washington lẫn Moscow. Trong từng vấn đề, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là đồng minh tự nhiên với các siêu cường, nhưng chứng tỏ mình là tác nhân không thế thiếu, có vị trí trong bàn cờ chiến lược của khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ. Nhưng Ankara không tuân theo mọi chỉ dẫn của Washington, mà nhiều khi đi ngược lại, chẳng hạn như vụ mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga. Hay vụ đảo chính bất thành vào ngày 15-7-2016, Tổng thống Erdogan đã lật ngược thế cờ và thẳng tay đàn áp lực lượng tham gia; hơn 150.000 công chức bị sa thải và khoảng 50.000 người bị bắt giữ. Thổ Nhĩ Kỳ còn yêu cầu Washington dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ, vốn bị Ankara cáo buộc cầm đầu cuộc đảo chính.

Đối với Nga, tận dụng lợi thế có cùng Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi từ nguồn dầu khí của Moscow nhưng lại đối đầu với Tổng thống Vladimir Putin ở nhiều vấn đề khác như: việc đưa quân vào Syria đối đầu với Tổng thống Bashar al-Assad, hay đẩy lùi quân nổi dậy ở Libya do Nga yểm trợ và kiểm soát hơn nữa lãnh thổ quốc gia Bắc Phi này.

Trong khi đó, NATO cũng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tuy đôi khi bướng bỉnh nhưng là quốc gia có tầm quan trọng chiến lược hoàn toàn thiết yếu. Là thành viên duy nhất trong khối NATO có văn hóa Hồi giáo, có vị trí chiến lược có thể mở cửa đi sang Iran, Iraq, Syria và đối diện với vùng biển phía nam của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ thật sự có tầm quan trọng đáng kể. Vì vậy, NATO làm ngơ cho Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch ở Syria, Iraq và giờ là Libya.

Những bước đi thái quá của Ankara làm một số thành viên NATO bất bình. Gần đây nhất là sự kiện tàu chiến Courbet của Pháp bị hải quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếu radar dẫn bắn khi đang thi hành nhiệm vụ của NATO chống vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc cung cấp vũ khí cho Libya trên biển Địa Trung Hải. Động thái này cho thấy Ankara tự tin đến mức độ nào. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ “chơi trò nguy hiểm” ở Libya và đề nghị NATO có các biện pháp đáp trả thích đáng đối với Ankara.

Tuy nhiên, nhiều thành viên NATO có thái độ chần chừ, nên một lần nữa các nhà quan sát xác nhận phát biểu của Tổng thống Macron khi ông cho rằng “NATO trong trạng thái chết não”. Một nhà ngoại giao châu Âu cũng chỉ trích NATO bất lực trước áp lực và tham vọng của Ankara. Sự chia rẽ trong nội bộ NATO được thể hiện rõ qua tình trạng thân cô thế độc của Pháp trong cuộc đọ sức với Thổ Nhĩ Kỳ lần này.

Những cuộc tranh cãi giữa hai nước thành viên - Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ - đặt NATO trong thế khó xử. Nhưng cốt lõi của vấn đề chính là các thành viên NATO khác đang chờ đợi “người anh cả” Washington phát tín hiệu như thế nào đối với Ankara.

Trong quan hệ với EU, nhiều năm qua, các cuộc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này vẫn còn nhiều gai góc. Vấn đề di cư được sử dụng như một đòn bẩy buộc EU cung cấp nguồn tài chính cũng như sự mặc cả để Ankara có những bước can thiệp vào Syria hay Libya mà không gặp cản trở nào. Ngày 13-7 vừa qua, 27 ngoại trưởng EU họp tại Brussels (Bỉ), trọng tâm là mối quan hệ khó khăn với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng các thành viên EU không đạt được quan điểm chung để đối phó với Ankara.
Thậm chí, các chuyên gia cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ mới thật sự là mối nguy hiểm cho an ninh Địa Trung Hải và châu Âu. Khống chế được Libya, một lần nữa Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ được chiếc “cổng” di dân thứ hai, đóng - mở theo ý muốn, đủ để làm áp lực với một EU thiếu đoàn kết.

Có thể nói, từ vấn đề di dân, vụ mua tên lửa phòng không của Nga, cho đến tình hình Syria và Libya…, Tổng thống Erdogan không ngần ngại đấu trí với tất cả cường quốc thế giới, từ EU, Mỹ cho đến Nga. Những biến chuyển đó cho thấy nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là “kẻ phá bĩnh” khôn ngoan không phải là vô căn cứ.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.