Trung Quốc thúc đẩy ngoại giao ở "lục địa già"

.

Từ ngày 25-8 đến 1-9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến một số nước châu Âu như: Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Chuyến công du nhằm nỗ lực giảm thiểu thiệt hại hình ảnh của một Trung Quốc đang bị nghi ngờ về trách nhiệm trong việc xử lý khủng hoảng đại dịch Covid-19, việc áp đặt Luật an ninh quốc gia ở Hong Kong, các hoạt động gây bất ổn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngoài ra, vấn đề chỗ đứng của Huawei với mạng 5G và một thỏa thuận đầu tư với châu Âu mà Trung Quốc theo đuổi suốt 7 năm qua cũng là chủ đề trọng tâm của chuyến công du.

Tuy nhiên, các điểm đến của ông Vương Nghị hoàn toàn khác với chuyến thăm châu Âu trước đó của người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo (ông Pompeo đến Áo, Anh, Cộng hòa Czech, Đan Mạch và Slovenia.) Mục đích chuyến đi của Ngoại trưởng Pompeo là thông báo và tìm kiếm đồng minh với các nước châu Âu về chiến lược chung chống lại ảnh hưởng địa chính trị và công nghệ Trung Quốc.

Trước chuyến đi của ông Vương Nghị, truyền thông Trung Quốc đã tuyên truyền về tầm quan trọng của mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Tờ The Global Times nhấn mạnh, dù còn nhiều khác biệt cũng như cùng chịu áp lực từ Mỹ, nhưng quan hệ Trung Quốc - EU vẫn duy trì cam kết dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi và đặc biệt là việc hai bên chia sẻ một trật tự quốc tế đa phương, chứ không phải “nước Mỹ trên hết” như chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi.

Trong chuyến công du, ông Vương Nghị không ngừng kêu gọi các nước châu Âu tăng cường đối thoại chiến lược, kinh tế với Trung Quốc. Thông điệp chính mà ông Vương Nghị muốn đưa ra là Trung Quốc vẫn gắn bó với chủ trương ngoại giao đa phương, đó cũng là điểm tương đồng với các nước châu Âu.
 Trong một bài viết trên báo Le Figaro (Pháp), nhà báo Renaud Girard nhận định, chuyến đi châu Âu của ông Vương Nghị nhằm hoàn chỉnh chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ, chuẩn bị tình huống cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3-11 tới.

Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ châu Âu của ông Vương Nghị đối mặt không ít trắc trở, nhất là sau khi Bắc Kinh thi hành Luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong cũng như sự bùng phát đại dịch Covid-19. Nhưng tại châu Âu, ông đặt câu hỏi: Covid-19 có thật sự bắt nguồn từ Trung Quốc hay không và ám chỉ rằng đã có thông tin virus xuất hiện ở các nước khác trước đó!?

Mặt khác, khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu với nhau, đặt EU vào thế khó vì bị kẹt giữa hai nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn được hình thành kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, có nhiều yếu tố ràng buộc lẫn nhau. Dù gần đây có những trắc trở nhưng Mỹ vẫn là thành viên chủ chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có ảnh hưởng nhất định với “lục địa già” trên nhiều lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội.

 Ngay sau chuyến thăm của ông Vương Nghị, tuần này, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sẽ thăm Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Chuyến công du của ông Dương Khiết Trì nhằm đặt nền móng cho Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo EU vào ngày 14-9, đồng thời nêu bật tầm quan trọng chiến lược của châu Âu trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

 Ông Mikko Huotari, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Berlin (Đức) nhận định: “Ông Dương Khiết Trì là quan chức thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình và là người đại diện cấp cao cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nên chuyến thăm sẽ có ý nghĩa rất lớn. Hai chuyến thăm châu Âu của ông Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì là nỗ lực kép chưa từng có của Trung Quốc nhằm chứng minh châu Âu là đối tác chiến lược quan trọng của nước này”.

 Chuyên gia Mikko Huotari cho biết, ông Dương Khiết Trì có khả năng tìm cách vượt ra ngoài vấn đề công nghệ 5G nóng bỏng của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán - một lĩnh vực thu hút nhiều sự chú ý ở châu Âu, và tập trung vào quan hệ đối tác với các quốc gia mà ông sắp dừng chân. Các nhà đầu tư của Trung Quốc đang thể hiện sự quan tâm các cơ sở hạ tầng cảng biển ở 3 quốc gia mà ông Dương Khiết Trì có kế hoạch thăm.

 TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.