Úc và Trung Quốc gia tăng xung đột chiến lược

.

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu sau những căng thẳng song phương liên quan các vấn đề về thương mại, gián điệp, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và nguồn gốc của đại dịch Covid-19…

Khi đại dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và lan rộng ra toàn thế giới, Thủ tướng Úc Scott Morrison gọi điện cho lãnh đạo Mỹ, Pháp, Đức quyết điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2. Trong khi đó, lo ngại về các hoạt động gián điệp của Trung Quốc nên Úc đã thông qua Luật chống sự can thiệp của nước ngoài, cấm Huawei tham dự quá trình xây dựng mạng 5G.

Đồng thời, Chính phủ Úc tiết lộ kế hoạch mở rộng quyền hạn để can thiệp quá trình sáp nhập các doanh nghiệp do nước ngoài sở hữu nếu có rủi ro về an ninh. Đây là cách giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc sau khi xuất hiện những quan ngại về nhiều vấn đề, trong đó bao gồm việc bang đông dân thứ hai của Úc là Victoria đăng ký tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vào năm 2018, một quyết định mà Thủ tướng Morrison chỉ trích mạnh mẽ.

Một diễn biến tiếp theo là Úc phản đối việc Trung Quốc áp dụng Luật An ninh Hong Kong và tuyên bố sẵn sàng cùng với Anh tiếp nhận công dân ở Hong Kong sang định cư tại Úc. Đặc biệt, Chính phủ Úc đã có những động thái thể hiện mức độ can dự mạnh hơn tại khu vực Biển Đông trong một vài tháng qua nhằm cùng với Mỹ củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và luật biển quốc tế.

Trong công hàm gửi Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 23-7, Phái bộ thường trực của Úc lên án Trung Quốc tự vẽ “đường 9 đoạn”, đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo phán quyết của Tòa trọng tài La Haye năm 2016 chiếu theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Úc gửi công hàm lên LHQ chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “Lập trường của Mỹ về các yêu sách tại Biển Đông” ngày 13-7-2020. Úc cũng phái máy bay, tàu chiến cùng Mỹ tập trận, tiến hành “tuần tra tự do hàng hải, hàng không” ở Biển Đông. Dù không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng Úc có lợi ích đan xen quan trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược tại khu vực biển này. Khoảng 60% hàng hóa xuất khẩu của Úc được vận chuyển qua khu vực Biển Đông.

Động thái mang tính chiến lược đó của Úc làm Trung Quốc vô cùng tức giận. Một mặt, Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo, đe dọa, mặt khác tiến hành hàng loạt biện pháp đáp trả nhằm vào Canberra, chẳng hạn áp thuế với lúa mạch và dừng nhập thịt bò từ 4 lò mổ lớn nhất của Úc. Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khuyến cáo người dân không đến Úc vì “tình trạng phân biệt chủng tộc gia tăng đáng kể đối với người Trung Quốc và người châu Á”. Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra cảnh báo tương tự với du học sinh chuẩn bị trở lại các trường đại học Úc khi học kỳ mới bắt đầu vào tháng 7...

Sự kiện gần đây nhất là cơ quan an ninh Trung Quốc triệu tập phóng viên đài truyền hình ABC Bill Birtles và phóng viên của AFR Mike Smith. Các quan chức ngoại giao Úc phải đàm phán với các quan chức Trung Quốc để cho phép các phóng viên rời khỏi nước này hôm 7-9. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1970, không có nhà báo Úc nào có giấy phép hoạt động chính thức tại Trung Quốc.

Diễn biến đó cho thấy, quan hệ chính trị Úc - Trung Quốc đang xấu đi nhanh chóng khi xung đột về chiến lược ngày càng gia tăng. Điều đáng nói ở đây là dựa vào sức mạnh ngày càng gia tăng cả về kinh tế lẫn quân sự, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn với các nước khiến họ không hài lòng và Úc là một trong số đó. Giới quan sát cho rằng, những động thái mới đây, ngoài việc “nắn gân” Úc, Trung Quốc còn muốn gửi thông điệp “răn đe” đến các đồng minh khác của Mỹ, sau việc Tổng thống Donald Trump kêu gọi điều tra Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19, cấm cửa công nghệ Trung Quốc mà mạng 5G của Huawei là điển hình, đáp trả về Luật An ninh Hong Kong, cũng như ngăn chặn âm mưu quân sự hóa và độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc…

Nhưng trong quan hệ quốc tế, nếu không dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, hòa bình, hợp tác cùng phát triển thì sẽ không thuyết phục được ai. Một khi Trung Quốc dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế để thực hiện mộng bá quyền của mình, rồi lên tiếng đe dọa… thì tất yếu sẽ có một nghịch lý xảy ra. Như ông Salvatore Babones, học giả Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Sydney nhấn mạnh, tại Úc, tâm lý quay lưng với Trung Quốc đã lên đến mức cao và Trung Quốc càng đẩy mạnh, Úc càng trở nên cứng rắn hơn.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.