QUAN SÁT & BÌNH LUẬN

APEC thúc đẩy liên kết phục hồi kinh tế

.

Cùng với các quốc gia trên thế giới, các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chịu tác động mạnh mẽ và sâu sắc của đại dịch Covid-19 về kinh tế - xã hội. Ban Thư ký APEC ước tính tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế thành viên này sẽ giảm 2,7% trong năm 2020. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi APEC đạt tốc độ tăng trưởng gần bằng 0 vào năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm ngoái, nhóm các nền kinh tế APEC ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế đạt 3,6%.

Dù phải đối phó với tác động mạnh mẽ của Covid-19 nhưng các thành viên APEC vẫn duy trì sự liên kết. Tại hội nghị trực tuyến hồi tháng 7, các nước APEC khẳng định lại cam kết giảm thiểu một cách hiệu quả những tác động của Covid-19 đối với kinh tế, nhanh chóng đưa khu vực về lộ trình phục hồi kinh tế bền vững. Tuyên bố chung lúc đó nêu rõ: “Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của một môi trường đầu tư và thương mại tự do, mở cửa, công bằng, minh bạch và có thể dự đoán trước, nhằm thúc đẩy khôi phục kinh tế vào thời điểm đầy thách thức hiện nay”.

Do vậy, vấn đề đặt ra cho Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 sẽ diễn ra vào ngày 20-11 tới tại Malaysia là vạch một lộ trình với các giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, nhanh chóng phục hồi kinh tế bền vững.

Mở đầu Tuần lễ Cấp cao APEC 27 là Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế (AMM) lần thứ 31 diễn ra theo hình thức trực tuyến vào tối 16-11, do Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali chủ trì. Tại phiên thảo luận quan trọng đầu tiên về “Cải thiện thương mại và đầu tư”, các bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các thành viên trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, qua đó đóng góp kịp thời vào các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với Covid-19 và phục hồi kinh tế.

Theo các bộ trưởng, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, trong đó có mục tiêu hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và ủng hộ nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Điều đáng chú ý là nhiều thành viên đã đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) vừa được ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 nhằm thúc đẩy thương mại tự do và mở dựa trên luật lệ cũng như tạo động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Các bộ trưởng dành nhiều thời gian thảo luận về định hướng hợp tác APEC trong thời gian tới trên cơ sở những thành tựu to lớn đã đạt được sau gần 3 thập niên kiên trì theo đuổi các Mục tiêu Bogor và trong bối cảnh tình hình thế giới cũng như khu vực thay đổi nhanh chóng và sâu sắc. Các bộ trưởng APEC nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy các trụ cột hợp tác về thương mại và đầu tư, tăng trưởng bền vững, bao trùm, cân bằng và an toàn, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số.

Đặc biệt, hội nghị hoan nghênh việc hoàn tất thực hiện chỉ đạo của các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 25 diễn ra vào tháng 11-2017 tại Đà Nẵng về xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 để trình lên Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27.

Trong phiên thảo luận thứ hai về “Bao trùm, Kinh tế số và Sáng tạo bền vững”, các bộ trưởng ủng hộ thúc đẩy nền tảng số, cải cách cơ cấu, phát triển bao trùm, bền vững và sáng tạo. Theo đó, cần hành động kịp thời để bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao tính tự cường, thúc đẩy phục hồi kinh tế bao trùm, giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC lần thứ 31 đã ra Tuyên bố khẳng định quyết tâm của 21 thành viên tiếp tục chung tay vượt qua đại dịch Covid-19, xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương tự cường, thịnh vượng và duy trì vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực trong những thập niên tới.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.