Ở nhiều nước, giấy phép đánh bắt, câu cá, giới hạn kích thước tối thiểu của từng loại cá được phép câu… đều được phổ biến cho tất cả những ai có nhu cầu đi câu, dù chỉ để giải trí.
Sự cẩn trọng của nhà chức trách và ý thức tự giác của người dân nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản của đất nước trong tương lai. Điều này có lẽ hoàn toàn xa lạ với cách mà các ngư dân ở Đà Nẵng đang làm - những người đang “góp phần” tận diệt các loài cá tôm trên sông Hàn bởi những chiếc lưới có mắt nhỏ như vải màn.
Một ngư dân cùng chiến lợi phẩm là những chú cá siêu nhỏ của mình. |
Là đất nước có nguồn lợi thủy sản dồi dào nhưng bất kỳ ai tại Úc khi bắt đầu đi câu cũng phải mua “Giấy phép đánh bắt cá”, trong đó nêu rõ các quy tắc hoạt động, kích thước chuẩn mực của từng loại cá có thể đánh bắt. Dọc bờ sông, chính quyền Úc còn bố trí những chiếc bàn đặc biệt có vòi nước và khắc rõ chiều dài có thể câu của từng loại cá. Người đi câu nếu không chắc chắn liệu “chiến lợi phẩm” mình vừa câu có nằm trong giới hạn cho phép hay không, có thể nhanh chóng mang con cá đó đến chiếc bàn đá, mở nước để duy trì sự sống cho cá và đo theo những vạch đã khắc sẵn để biết con cá đó đã đạt đến ngưỡng trưởng thành đủ để nằm trên bàn ăn cho con người hay không. Nếu người câu vẫn cố chấp tiêu diệt sự sống của những chú cá chưa đạt kích thước chuẩn, họ sẽ bị đội ngũ cảnh sát thường xuyên trinh sát dọc bờ sông phạt và thu giấy phép câu cá. Doanh thu từ việc bán giấy phép đánh bắt cá và tiền phạt được dành làm nguồn vốn cho các hoạt động bảo tồn nguồn cá, bảo đảm cho tương lai của các loài cá trên toàn nước Úc.
Anh Harry John, sinh viên đang học tại Trường đại học James Cook (bang Queensland, Úc) cho biết người dân tại xứ sở chuột túi luôn ý thức rằng, nguồn cung cấp cá dồi dào, phong phú luôn gắn liền với hệ thống các quy tắc mà người đi câu buộc phải tuân thủ. Nếu không, trong tương lai không xa, đại dương sẽ bị ảnh hưởng, các loài cá sẽ bị tuyệt chủng. Khi nói đến vấn đề “đại dương” hay “tuyệt chủng”, có thể người nghe sẽ cảm thấy xa vời, dường như điều đó chỉ xảy ra ở đâu đó trên thế giới và chắc chắn không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính bản thân mình. Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm, nếu chúng ta tận diệt cả những chú cá nhỏ, chưa qua thời kỳ sinh sản cũng đồng nghĩa với việc đang tước đi của mình bữa ăn bổ dưỡng với các món từ cá cũng như thú vui tao nhã được trầm ngâm bên cần câu trong tương lai không xa. “Bảo vệ những chú cá chưa đến thời kỳ trưởng thành ngày hôm nay cũng đồng nghĩa với bảo vệ lợi ích cho chính chúng ta ngày mai”, Harry John khẳng định.
Nhìn cách đối xử đầy trách nhiệm của chính quyền và ý thức người đi câu ở Úc, tôi không khỏi giật mình bởi cách mà các ngư dân ở Đà Nẵng đang làm đối với nguồn lợi thủy sản dọc sông Hàn hiện nay. Từ năm 2013, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản nghiêm cấm đánh bắt cá trên sông Hàn (đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn). Cấm là vậy nhưng cứ đến khoảng 3 giờ, khúc sông trên đoạn đường Bạch Đằng vẫn rộn ràng các thuyền giã lưới, giã cào hăng say đánh bắt. Các ngư dân luôn tay gõ các thanh gỗ vào nhau để lùa các chú cá tội nghiệp vào những tấm lưới có mắt nhỏ như mắt màn. Những mắt nhỏ li ti này giữ lại gần như trọn vẹn bầy cá, bất kể kích thước, bất kể chủng loại mà không ai quan tâm đến việc chúng đã trưởng thành hay chưa, đã qua mùa sinh sản nào rồi. Đều đặn mỗi sáng, những chiếc thuyền câu nhỏ, lưới mắt nhỏ, dường như đang vét cạn cả khúc sông bởi chiến lợi phẩm các ngư dân này thu về đa phần là các loài tôm, cá nhỏ xíu.
Hầu hết các ngư dân đều thừa nhận có “nghe qua” về quy định cấm đánh bắt của thành phố nhưng nếu bỏ nghề thì không biết phải bám vào đâu để kiếm kế sinh nhai. Chồng giăng lưới rồi chuyền lên cho vợ bán ngay tại tuyến đường Bạch Đằng vào lúc tờ mờ sáng mang lại cho các gia đình ngư dân khoảng vài chục đến vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Với mục tiêu đánh bắt càng nhiều càng tốt, cá tôm nhỏ lại được người mua ưa chuộng vì giàu canxi, hầu hết các ngư dân đều cố gắng chọn loại lưới có mắt nhỏ nhất có thể mà có lẽ chưa bao giờ băn khoăn về việc hành động của mình đang tận diệt các loài hải sản cũng như cắt đi chính nguồn sống của bản thân trong tương lai không xa.
Vẫn hiểu rằng, sự thúc ép của nỗi lo cơm áo gạo tiền là nguyên nhân chính cho hành động đánh bắt bất chấp quy định của thành phố của các ngư dân. Tuy nhiên, nếu những ngư dân này thực sự hiểu được cách đánh bắt cá theo kiểu “tận diệt” của mình hôm nay là vô cùng nguy hại cho tương lai của các loài thủy hải sản - mắt xích vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái, góp phần cải tạo môi trường nước và làm đẹp cảnh quan thiên nhiên cũng như là chén cơm của họ trong một ngày không xa - thì có lẽ các ngư dân sẽ chọn cách thức đánh bắt khác, sẽ biết kết hợp hợp lý giữa khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản chứ không đơn thuần theo đuổi lợi ích kinh tế từ các tấm lưới mắt nhỏ.
MAI TRANG