Tổng giám đốc WWF, ông Marco Lambertini viết: "Các dạng thức khác nhau của sự sống vừa là đầu tàu cho hệ sinh thái giúp duy trì cuộc sống trên Trái đất, vừa là hàn thử biểu cho những gì chúng ta làm trên hành tinh. Và việc không còn quan tâm đến số phận của các sinh vật khác đã làm thiệt hại cho chính chúng ta".
Từ năm 1970 đến 2010, Chỉ số Hành tinh Sống - đo lường sự tiến triển của 10.380 quần thể thuộc 3.038 loài động vật hữu nhũ, chim muông, bò sát, lưỡng thể và cá, đã giảm - đã giảm đến 52%. Và "khuynh hướng trầm trọng này không có dấu hiệu chậm lại", theo bản báo cáo lần thứ 10 trên. Tuy vậy vẫn còn có thể hành động để đảo ngược xu hướng, phối hợp giữa phát triển với bảo vệ môi trường.
Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là châu Mỹ la-tinh (83%), tiếp theo là khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các loài sinh vật nước ngọt phải trả giá đắt nhất (giảm 76%), trong khi các loài sống trên cạn và dưới biển chỉ giảm 39%.
Tỉ lệ sụt giảm đến 52% là trầm trọng nhất so với các bản báo cáo hai năm một lần trước đây. Năm 2012, WWF cho biết các loài thú hoang giảm đi 28% từ năm 1970 đến 2008.
Nguyên nhân của tình trạng thú hoang giảm sút là do nơi trú ẩn của chúng bị phá hủy hay xuống cấp, do săn bắn và đánh bắt quá mức, cũng như hiện tượng biến đổi khí hậu.
Từ 1961 đến 2010, dân số trên hành tinh từ 3,1 tỉ người đã tăng lên 7 tỉ người, và đến năm 2050 sẽ đạt 9,6 tỉ ; năm 2100 đạt 11 tỉ người. Trong khi đó năng lực sinh học trên đầu người (tức năng lực sản xuất bình quân thế giới của một hecta sản xuất theo phương pháp sinh thái) tiếp tục giảm xuống, trong một thế giới mà mặt đất xuống cấp, nước ngọt khan hiếm và giá năng lượng tăng cao.
Lỗi là do ai? Các nước giàu nhất nói chung sử dụng tài nguyên sinh thái cao gấp năm lần so với các nước nghèo. Theo báo cáo, nếu tất cả mọi người có cùng cách sống như người Qatar chẳng hạn, thì cần đến 4,8 hành tinh như của chúng ta. Tỉ lệ này là 3,9 đối với người Mỹ và 1,4 đối với người Nam Phi.