Thế giới đó đây
Phát hiện hàng chục mộ cổ chứa xác ướp 1.200 năm tuổi ở Peru
Theo Livescience, hàng chục ngôi mộ chứa gần 40 xác ướp vừa được khai quật tại một khu tế lễ 1.200 năm tuổi ở thung lũng Cotahuasi của Peru.
Mộ chôn cất một phụ nữ trẻ tìm được thấy trong Thung lũng Cotahuasi của Peru, nơi hàng chục ngôi mộ xác ướp đầy đã được phát hiện. (Nguồn: livescience.com) |
Những ngôi mộ mới được phát hiện nằm trên những ngọn đồi nhỏ bao quanh khu tế lễ còn được gọi là Tenahaha này.
Các xác ướp cho thấy trước khi xảy ra hiện tượng co cứng, đầu gối người chết đã được đẩy lên sát vai và hai cánh tay ôm vòng trước ngực. Các thi hài sau đó được buộc dây và bọc lại trong nhiều lớp vải. Độ tuổi của các xác ướp rất đa dạng, từ những đứa bé vẫn còn là bào thai tới người già và xác ướp trẻ nhỏ, được đặt trong những chiếc bình.
Các xác ướp đã hư hại khá nhiều vì bị nước và thú gặm nhấm tàn phá. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng thấy một số xác ướp có dấu hiệu bị cố ý phá hoại, với xương cốt rời ra và rải rác giữa các ngôi mộ. Trong một ngôi mộ, các nhà khảo cố phát hiện tới gần 400 bộ phận của người, bao gồm răng, xương tay và xương chân.
“Trên dãy Andes, cái chết là một quá trình. Không phải cứ chôn người chết xuống đất là xong,” Justin Jennings, người quản lý Bảo tàng Hoàng gia Ontario ở Toronto đã viết trong cuốn sách mới về văn hóa Peru của mình.
Ví dụ, việc xác ướp bị phá hủy và di chuyển cho thấy đây có thể là một hành động biểu tượng cho “communitas” - một cộng đồng những người ngang hàng nhau. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa giải thích được lý do tại sao vẫn còn một số xác ướp còn nguyên vẹn.
Kết quả kiểm tra phóng xạ cacbon và phân tích các bình gốm chôn kèm cho thấy khu tế lễ đã được sử dụng từ năm 800-1.000 sau Công nguyên. Đây là khoảng thời gian mà Peru trải qua nhiều biến động, như bùng nổ dân số, mở rộng canh tác nông nghiệp và gia tăng khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội.
Trước đó, tại khu khai quật bên bờ biển và một số nơi khác ở Peru, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng của những cuộc đụng độ bạo lực, những bức vẽ răng nanh và những chiếc sọ người chiến lợi phẩm.
Tuy nhiên tại Tenahaha, có rất ít bằng chứng cho thấy sự tồn tại của bạo lực, cho thấy nơi đây có thể là một khu vực trung gian, nơi người dân tìm đến để gặp mặt, chôn cất người chết hay ăn mừng.
“Chúng tôi cho rằng Tenahaha được tạo ra để giải quyết những vấn đề sinh ra từ những thay đổi lớn lao trong thời kỳ đó, giúp người Peru tìm được một cách khác ngoài bạo lực và đối mặt với những đổi thay về văn hóa,” Jennings cho biết.
Vietnam+