.

Dạy thật - học giả?

.

Chỉ qua một năm thực hiện cuộc vận động “Hai không”, con số ảo về bệnh thành tích đã xẹp xuống như quả bóng bị xì hơi, thể hiện cụ thể qua số lượng học sinh (HS) yếu kém. Tại Đà Nẵng, học kỳ 1 năm học 2007-2008 ở nhiều trường, số lượng HS yếu đã tăng lên gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp 4 lần những năm trước. Vậy, việc dạy thật - học thật hiện nay như thế nào?

Đã là giáo viên đứng trên bục giảng sẽ không có tình trạng dạy giả.

Ông Nguyễn Quang Long, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú khẳng định: “Một giáo viên (GV) đã đứng trên bục giảng không bao giờ có tình trạng dạy giả. Số lượng GV có vấn đề về đạo đức cũng như chuyên môn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số GV đang tâm huyết với nghề”. Để quản lý chất lượng GV, các trường đều có quy trình kiểm tra, thanh tra thường kỳ theo quy định, có kênh phản ánh thông tin của HS và Ban đại diện phụ huynh.

Cụ thể, GV phải chuẩn bị bài giảng trước khi lên lớp và giáo án phải chuẩn bị trước ít nhất là 2 tiết. Giáo án của mỗi GV phải soạn riêng, không sử dụng giáo án chung của tổ chuyên môn, không được soạn ghép nhiều tiết hoặc nhiều bài trong chương. Nghiêm cấm GV sử dụng tiết tự chọn thay cho chính khóa...

Tại Trường THPT Trần Phú, học kỳ 1 năm nay, số lượng HS yếu của khối 10 tăng lên gấp 3 lần năm trước. Ông Nguyễn Huy Bính, Hiệu phó phụ trách chuyên môn của Trường THPT Trần Phú phân tích: “Trước đây, trung bình của tất cả các môn chỉ cần trên 5 điểm và không có môn nào dưới 3,5 là được HS trung bình nhưng theo Công văn 40, quy định mới về xếp loại HS, ít nhất một trong 2 môn văn, toán phải trên 5 điểm, nếu không sẽ xếp loại HS yếu. Đó cũng là nguyên nhân “kéo” số lượng HS yếu xuống nhiều hơn mọi năm”.

Đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng hiện nay có bao nhiêu học sinh có ý thức học tập tốt.

Nhiều GV- từ người theo nghề dạy gần hết quãng đời đến những GV lần đầu đứng trên bục giảng – đều chung một nỗi bức xúc, trăn trở, “rút ruột” bộc bạch những điều tâm huyết từ chính trái tim, có nhiều người đã... bật khóc, đặc biệt, với những GV dạy môn xã hội. Một GV đã “than”: “Bộ Giáo dục-Đào tạo cứ cải tiến, cải lùi, liên tục thay sách giáo khoa, thay đổi phương pháp dạy... Trong khi đối tượng của sự nghiệp giáo dục là HS nhưng các em không chịu học thì dạy cho ai? Muốn nhà khỏi nghiêng phải xây từ móng chứ sửa từ nóc như hiện nay chỉ là những biện pháp chữa cháy”.

Cô D.V, mấy chục năm dạy văn ở Trường THPT Trần Phú, khi dạy cô đã khóc, cười theo từng con chữ nhưng nhìn xuống lớp nhiều em đang ngoác miệng cười giỡn, nhiều em điệu đàng soi gương, chải tóc..., không ít lần cô đã khóc vì thái độ học tập của HS.

Ông Nguyễn Quang Long nhận xét: “Có thể chia ý thức học tập của HS theo tỷ lệ 30-35-35. Tỷ lệ đầu là các em ham học, 30% học làng nhàng và số cuối cùng là không học gì cả”. Rất nhiều GV lại cho rằng, con số phản ánh thật sự lượng HS có ý thức học tập tốt và nắm đầy đủ kiến thức để được lên lớp chỉ khoảng... 10% trên tổng số HS. Trước đây, em đứng đầu và cuối lớp, điểm trung bình chỉ cách nhau chưa được 1 điểm nhưng hiện nay, em nhất lớp có thể dạy lại cho những em yếu”. Là HS cấp 3 nhưng nhiều em không biết chữ nào, từ nào là viết hoa, việc sai lỗi chính tả là “chuyện như cơm bữa” của HS. Những môn khoa học tự nhiên HS mất kiến thức căn bản trầm trọng, những định lý, định luật lẽ ra phải “thuộc như cháo” nhưng khi thầy, cô hỏi, các em ngơ ngác như người từ trên trời rơi xuống.

Nhiều ý kiến cho rằng: “Khi đạo đức của HS không được xem trọng trong nhà trường, vấn đề dạy kiến thức của GV chỉ là công việc của một người đang xây lâu đài trên cát”. Trước đây, xã hội nhìn người thầy lẫn người đi học bằng một con mắt đầy trọng vọng. Một thầy giáo nghèo vẫn được mọi người cung kính cúi chào hơn một người buôn bán tiền bạc rủng rẻng. Một gia đình đông con, nghèo khổ vẫn dạy cho con ý thức nên kiếm cái chữ để bước vào đời. Khi một HS bị sai quấy, người ta chỉ cần nói “Học trò mà thế à!” đã là nỗi hổ thẹn với HS đó. Gia đình dạy và cả xã hội đều dạy, buộc mọi người phải có ý thức, nhận thức đúng đắn. Nhưng nay, HS bị điểm 0 vẫn không biết xấu hổ, “cúp cua”, trốn học là chuyện hết sức bình thường. Vì áp lực của cha mẹ, các em đến trường nhưng số đông không ý thức đó là nơi chốn để trau dồi tri thức, vốn sống. Cô D.V đã nhiều lần “kêu” với HS: “Nhìn các em học mà cô lo quá! Trên nền tảng kiến thức chênh vênh, hụt hẫng, đầy lỗ hổng như thế, tiền đồ của các em sẽ đi về đâu?”.

Nhiều GV bảo rằng: “Mấy vị ở Bộ Giáo dục - Đào tạo hãy đi dạy thử rồi hãy đề ra những biện pháp cải cách, thay mới. Thế giới học trò ngày nay không lý tưởng như các vị ấy nghĩ. GV đi dạy cực hơn đi đánh trận, chỉ riêng việc ổn định trật tự HS đã hết giờ...”. Phương pháp dạy mới hiện nay là GV hướng cho HS tự học, tự nắm kiến thức. Dạy học như “Cầm tay chỉ việc” mà các em còn thờ ơ, huống gì gợi ý... Một GV buồn bã buông thõng câu nói giữa chừng...

Dạy và học là vấn đề lớn của toàn xã hội và chịu trách nhiệm cao nhất là Bộ Giáo dục - Đào tạo. Muốn Dạy thật - Học thật đúng ý nghĩa tự thân, điều đầu tiên phải nâng cao ý thức học tập của HS. Quan trọng hơn là dạy đạo đức làm người. Đó là cái gốc để có thể giải quyết căn cơ tất cả mọi vấn đề.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.