.

Ngăn chặn học sinh bỏ học - trách nhiệm không của riêng ai!

Vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay là tìm cho được giải pháp tối ưu, có tính khả thi để khắc phục, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học, chứ không phải là trách cứ, đánh đố nhau. Đây là việc hoàn toàn xã hội, chứ không của riêng ai! Thử đi tìm nguyên nhân của tình trạng học sinh bỏ học và yêu cầu khắc phục trong mối quan hệ gia đình-nhà trường và xã hội.

Trách nhiệm của gia đình: Đây là vấn đề mấu chốt của mối quan hệ. Rõ ràng, việc theo dõi, quản lý của gia đình đối với con đang đi học cần phải được quan tâm thường xuyên. Sự buông lỏng của gia đình đối với việc này là nguyên nhân chủ yếu làm cho học sinh lơ là học tập khi có tác động xấu, như bị bạn xấu lôi kéo, bị cuốn hút vào những nội dung sinh hoạt không nằm trong chương trình học tập, rèn luyện (thiếu lành mạnh). Sự lười biếng học tập kéo dài tất nhiên sẽ dẫn đến hậu quả là, học lực nhanh chóng sút kém, không theo kịp bạn học, đâm ra xấu hổ nên bỏ học.

Để tránh chuyện con mình bỏ học từ lý do trên, từng gia đình phải có trách nhiệm quản lý, nhắc nhở và thường xuyên giám sát việc học tập, nếu không làm tốt yêu cầu này thì sớm hoặc muộn cũng xảy ra điều đáng tiếc là con mình bỏ học giữa chừng. Đã có rất nhiều gia đình do tập trung làm ăn, phó mặc cho con việc học và hệ quả là con mình sa vào chuyện “chơi nhiều, học ít”. Đến khi gia đình phát hiện thì việc đã quá muộn. Do đó, nhất thiết phải thường xuyên duy trì mối liên hệ với nhà trường, để nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con mình, làm cơ sở động viên, uốn nắn khi cần thiết.

Trách nhiệm của nhà trường: Đây là một mắt xích rất quan trọng trong mối quan hệ gia đình-nhà trường và xã hội, bởi dưới con mắt học trò, người thầy luôn là một mẫu mực về đạo đức, trình độ, kinh nghiệm sống, học tập và làm việc. Ai cũng biết, từ bao đời nay, người thầy luôn được xã hội tôn vinh và kính trọng; truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn là nghĩa cử tốt đẹp của cả cộng đồng dành cho người thầy. Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, theo đó đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư thỏa đáng cho các yêu cầu bảo đảm cho sự nghiệp trồng người phát triển cả trước mắt và lâu dài.

Vì vậy, trách nhiệm của mỗi nhà trường cần phải làm gì để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, sự chăm lo của Đảng và Nhà nước? Thiết nghĩ, đây là câu hỏi lớn luôn đặt ra đối với những người làm công tác quản lý hoặc giảng dạy trong các nhà trường. Nhà trường phải không ngừng nghiên cứu, nâng cao chất lượng dạy-học, thu hút cho được học sinh vào từng tiết học, môn học; làm sao để cho học sinh luôn cảm thấy “thèm khát” được đến trường, được nghe thầy giảng dạy. Sự tận tụy của người thầy khi truyền thụ kiến thức cho học sinh là một trong những chuẩn mực đạo đức của người thầy trực tiếp giảng dạy.

Mặt khác, sự chăm lo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, cùng các thiết chế khác bảo đảm cho học tập, giảng dạy… của người làm công tác quản lý ở mỗi trường, chắc chắn góp phần tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, đạt các tiêu chuẩn quy định; cũng là cách làm cho học sinh gắn bó, yêu mến thầy, cô giáo, trường lớp trong suốt thời gian học tập ở trường.

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến những vụ việc phản giáo dục, mà trách nhiệm lại thuộc về nhà trường như đánh đạp, nhục hình học sinh… gây sự phản ứng và lo ngại cho các bậc phụ huynh. Điều đó thật đáng trách, thậm chí phải lên án. Nhưng như ai cũng thấy, xảy ra những vụ việc đáng buồn trên là chuyện cá biệt, không mang tính phổ biến.

Bên cạnh những vấn đề về trách nhiệm của nhà trường như đề cập ở trên, việc giữ mối liên hệ với gia đình học sinh và tổ chức xã hội (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học…) cần phải được đặt ra thường xuyên để trao đổi thông tin liên quan đến học sinh.

Trách nhiệm của xã hội: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng địa phương, sự chỉ đạo, quản lý điều hành của chính quyền cấp cơ sở đối với lĩnh vực giáo dục-đào tạo; rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách bảo đảm ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp giáo dục-đào tạo trong điều kiện mới. Tổ chức Đoàn Thanh niên cấp cơ sở tăng cường công tác quản lý, giáo dục thanh-thiếu niên, tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, thật sự bổ ích thu hút học sinh sau những giờ học ở trường, nhất là trong dịp học sinh nghỉ hè; đưa các em vào khuôn khổ hoạt động “chơi mà học-học mà chơi”, giúp cho các em tránh xa sự “quyến rũ” của các tệ nạn xã hội. Hội Khuyến học cơ sở phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên, trường học… và gia đình học sinh để thực hiện việc khuyến học-khuyến tài; bàn cách ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, sớm đưa các em trở lại trường, từng trường hợp bỏ học cần tìm hiểu nguyên nhân để giúp đỡ.

Có thể nói, tình trạng học sinh bỏ học như hiện nay là một việc khá bức xúc, cần phải có một giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng lực của toàn xã hội. Rõ ràng đây là việc chẳng của riêng ai!

MAI MỘNG TƯỞNG

;
.
.
.
.
.