Tất cả các bài tập tham khảo thi trắc nghiệm trên Internet có đáng tin cậy không? Câu trả lời đã không được những người có trách nhiệm và người có chuyên môn về giáo dục trả lời thỏa đáng; bởi chính thầy cô còn nghi ngờ độ chính xác của các bài tập này.
Treo đầu dê bán thịt chó!
Internet hiện là một kênh hướng dẫn cách làm bài trắc nghiệm được đông đảo học sinh quan tâm. Chỉ gần gõ từ khóa “ôn tập thi” hoặc “ôn thi trắc nghiệm”, kết quả tìm kiếm hẳn sẽ làm thỏa lòng các học sinh muốn ôn bài trên net.
Thầy Lê Trung Chinh, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên: “Ôn thi trắc nghiệm trên Internet cũng là một cách học hay nhưng chưa thể thẩm định hết độ chính xác của các trang thông tin này”. |
Học sinh T.M cho biết: “Học sinh lớp 12 ngày nay thường xuyên sử dụng Internet để làm bài thi trắc nghiệm tham khảo, nhưng đòi hỏi quyết tâm ghê gớm lắm. Chỉ cần chút xíu ngứa chân ngứa tay là có thể “liếc” sang những trang thông tin khác như báo, nhạc… Ai mà học nghiêm túc được cả một buổi phải gọi là siêu chăm chỉ”.
Được biết, T.M là một trong số những học sinh thường xuyên ôn bài trên Internet. Tuy nhiên, khi hỏi tất cả các bài tập đó có đáng tin không? M. trả lời: “Đó là chuyện hên xui may rủi. Em có nghe vài trang web do học sinh, sinh viên tự lập để chia sẻ bài vở với nhau. Cứ vào xem vậy thôi, chứ sai đúng em đâu biết hết được”. T.M còn kể thêm: “Tá hỏa nhất là lúc em gõ trang ôn tập thi mà lại thấy toàn những bức hình… hoa cả mắt, còn bài tập thì chẳng thấy đâu”.
“Có những câu thầy còn không hiểu”
Đó là lời khẳng định của thầy Nguyễn Đình Bách, giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh về một số câu hỏi ôn thi trắc nghiệm trên Internet. Qua tìm hiểu một số trang ôn thi trên mạng, thầy Bách cho biết: “Có những bài toán tự luận trước đây được “cắt” ra thành từng phần rồi biến thành câu hỏi trắc nghiệm. Như vậy là không đáp ứng đúng yêu cầu về cách ra đề. Một câu hỏi trắc nghiệm đúng phải thật ngắn, thật đầy đủ, không đánh lừa, câu dẫn rõ ràng; có 4 đáp án thì chỉ duy nhất một đáp án đúng, không được kiểu “cả A và C đều đúng”.
Học sinh đang lựa chọn Internet như một kênh ôn tập quan trọng, nhưng nhà trường chưa đặt Internet ngang tầm với các phương tiện ôn thi khác (sách bài tập...). |
Một đề 40 câu phải do tập thể soạn chứ không thuộc đề riêng của một vài cá nhân”. Trong khi đó, với cách xuất hiện rầm rộ của nhiều trang web ôn thi như hiện nay, khó có thể biết được đề bài đó do một người hay một tập thể những nhà giáo biên soạn! Cũng theo thầy Bách, học sinh có kiến thức vững chắc mới tự thẩm định độ tin cậy của những bài trắc nghiệm mà các em đang tham khảo, còn học sinh trung bình thì khó mà tự phân định nên hay không nên tiếp tục sử dụng trang web đó.
Thầy Lê Trung Chinh, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết: “Không hẳn là mọi trang web ôn thi trắc nghiệm đều đáng tin cậy. Hiện tại chưa thẩm định được hết độ chính xác của các trang thông tin này. Tiêu chí để học sinh tự “phân loại” những câu “lạc đề” là một câu hỏi trắc nghiệm phải rõ ràng, không mang tính thách đố, không bắt người làm phải học thuộc lòng mới trả lời được, có thể dùng phương pháp suy luận để chọn câu trả lời đúng”.
Cần sự vào cuộc của nhà trường
Bài tập trắc nghiệm trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu, các trang báo điện tử uy tín… là những địa chỉ được thầy cô khuyên học sinh nên tìm đến tham khảo. Tuy nhiên, sự định hướng của nhà trường mới dừng lại ở đó. Khi chúng tôi đưa ra câu hỏi: nhà trường đã có cách nào hướng dẫn học sinh ôn tập có hiệu quả trên Internet?
Câu trả lời từ một số trường vẫn không đi thẳng vào vấn đề, vì thực chất năm học này, trường chưa thực sự đặt vai trò của Internet ngang tầm với những phương tiện ôn thi trắc nghiệm khác như các loại sách đã được phát hành. Lời khuyên dành cho học sinh của một hiệu trưởng trường THPT là: “Học trên mạng cũng hay, nhưng cách tốt nhất học sinh nên làm bài trắc nghiệm trong sách do Bộ GD-ĐTõ phát hành và các bài tập thầy cô giao cho”.
Thầy Nguyễn Đình Bách thì cho rằng: “Học sinh nên nhờ người lớn hoặc giáo viên hướng dẫn cách chọn trang web đáng tin; hoặc có thể học theo nhóm để cùng trao đổi góp ý về những bài hay, bài không hay”.
T.Nhan – T.Vân