.

Sinh viên bây giờ vẫn dùng “phao”

.

Bước vào giai đoạn “nước rút” (thi học kỳ) do không chuẩn bị chu đáo, nhiều sinh viên đã sử dụng tài liệu như một “phao” cứu hộ an toàn để vượt qua kỳ thi, mặc dù Quy chế 25 cấm sử dụng tài liệu trong thi cử đã được nhà trường phổ biến rộng rãi.

Sinh viên một trường cao đẳng đang cắt “phao”.

Đây là thời điểm hầu hết các trường bắt đầu giai đoạn thi học kỳ. Với một khối lượng lớn kiến thức, nếu sinh viên không có sự chuẩn bị chu đáo, họ sẽ dễ rơi vào khủng hoảng. Sinh viên xa quê gặp chốn thành thị với nhiều điều mới mẻ nhưng cũng đầy cám dỗ, nếu không có bản lĩnh, họ sẽ khó tập trung tốt cho việc học. Có những sinh viên vừa làm vừa học nhưng vẫn học tốt. Họ miệt mài để nghiên cứu từng bài giảng của thầy, vì thế họ rất tự tin bước vào kỳ thi. Trái lại một số sinh viên (phần đông là nam) ham chơi, đua đòi, không chăm lo gì tới việc học. Ban ngày sau giờ học, họ tập trung vào các quán cà-phê gần trường rồi tha hồ đánh bài, xem phim, hút thuốc, tầm phào đôi câu chuyện...

Chiều chiều, dọc các quán cà-phê gần một số trường như Đại học Bách khoa, Cao đẳng Đông Á, chúng ta sẽ thấy rõ. Không những thế, ban đêm, nhiều toán sinh viên còn tụ tập chơi game, xem đá bóng đến khuya. Sáng ngày, họ chỉ biết lăn ra ngủ bù. Thế là khỏi học bài. Ngày qua ngày, bài vở tích tụ nhưng họ không có thời gian để xử lý. Vả lại cũng mấy khi thầy cô kiểm tra bài cũ nên có “hổng” một chút cũng không ai biết. Vì thế, đến ngày thi cử, cũng như vận may rủi của trò cá cược mà họ hay chơi, một số sinh viên photo tài liệu thật nhỏ, mắt thường khó nhìn thấy, nhét đầy các túi rồi an tâm đi thi. Nếu may mắn thì trót lọt, còn không bị hạ hạnh kiểm hoặc lại xin tiền cha mẹ để thi lại, học lại.

Chúng tôi bắt gặp rất đông các sinh viên một trường cao đẳng đang photocoppy tài liệu rồi hớn hở mang “phao” tự tin vào phòng thi. Hai điểm photocoppy gần trường đến dịp này cứ thế mà nhộn nhịp hẳn lên. Đó là những người chúng tôi thấy. Có thể còn nhiều sinh viên chuẩn bị “phao” ở nhà mà ta không biết.

“Biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng rõ ràng quy chế vẫn chưa được sinh viên thực hiện một cách nghiêm túc. Giá như họ chủ động sắp xếp thời gian học tập, đừng quá lãng phí như thế thì họ đâu cần đến trò may rủi và vi phạm nội quy thế này. Thầy cô dạy nhiều nhưng trò nắm chẳng được mấy, ra trường nhiều sinh viên không làm được việc là vì thế.

Đã đến lúc những sinh viên như thế cần có một thái độ sống đúng đắn và có ích hơn để xứng đáng với những gì xã hội quan tâm, để họ có đủ năng lực và phẩm chất, thích ứng được công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần mạnh tay hơn nữa với những trường hợp vi phạm, gian lận trong thi cử.

ĐOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.