.

Đâu rồi sự trong sáng của tiếng Việt?

.

“Pé ơi! Cóa nhớ ta nhìu nhìu hok. Ta thix mi wa dza ghét cái mẹc wa lun hà…” (Bé ơi, có nhớ ta nhiều nhiều không. Ta thích mi quá và ghét cái mặt quá luôn hà) - trích trong lưu bút của một học sinh. Nói lái, nói lóng… nói theo kiểu “mật mã”, dường như là chuyện muôn thuở của học trò. Nói càng “độc”, càng gây tò mò và tạo hiệu ứng dây chuyền trong tuổi ô mai.

Những trò chơi truyền hình được đưa vào trường học, giúp học sinh trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông.
TRONG ẢNH: Chương trình “Rung chuông gió” được “phát sóng” trên sân trường THCS Kim Đồng.


Trong khi đó, phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt” vẫn thường xuyên được các cấp Đội thực hiện qua rất nhiều năm. Tuy nhiên, phong trào này có thực sự là “liều thuốc đặc trị” cho đối tượng học sinh thường xuyên nói những lời không hay? Hay chỉ tập trung vào những em vốn đã chăm ngoan.

Những cuộc trao đổi giữa học sinh cùng trang lứa không được diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường, mà lái theo kiểu ghép âm, ghép vần đã trở thành một trong những cách giao tiếp đặc biệt, chỉ có người trong cuộc mới hiểu: “ôm hơ, ay nơ, I dơ, ọc hợ” (Hôm nay đi học). Những tiếng hét tục tĩu chạy ngang cửa lớp để lại cái cười thích thú và cả vẻ ấm ức của một số học sinh, khiến giáo viên không khỏi chạnh lòng.

Chưa có một khảo sát chính thức nào (tại Đà Nẵng) cho thấy diễn biến tình trạng học sinh nói lái, nói lóng, nói tục… Nhưng không thể phủ nhận thực tế này trước làn sóng của các ấn phẩm văn hóa, truyền thông và thế giới mạng. Theo một Tổng phụ trách Đội, để thực sự kiểm soát hết những lời nói không hay, không tốt của học sinh rất khó, vì đây là một vấn đề không nằm trong khuôn viên trường học. Chỉ có khi phát hiện em nào “nói bậy” thì ghi vào sổ sao đỏ, trừ điểm thi đua.

Chung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ Bùi Văn Vân (ảnh), Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục, Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng:

Thầy đánh giá thế nào về vai trò của các phong trào Đội nhằm khuyến khích học sinh nói lời hay như hiện nay?

Các phong trào Đội khuyến khích học sinh nói lời hay cũng là điều tốt. Vấn đề là ai được tham gia? Tất cả học sinh hay chỉ vài em “sáng giá” nhất góp mặt thường xuyên trong các phong trào này? Việc tổ chức thế nào rất quan trọng.

Cần có những cuộc thi, những hoạt động sinh hoạt nào đó mà mọi học sinh đều là nhân vật chính mới gọi là phong trào, để mọi người cùng được tham gia. Có như vậy, các phong trào Đội mới thực sự có ý nghĩa. Nếu làm để báo cáo thành tích thì giá trị giáo dục của các phong trào này nói đi nói lại cũng chỉ có tác dụng đối với những em nổi trội mà thôi.

Xét về mặt tâm lý, nguyên nhân ngày càng nhiều học sinh học đòi cách nói lái, nói lóng là gì, thưa thầy?

Đây là biểu hiện của “tính tích cực” (xét trên cơ sở tâm lý học). Tức là lứa tuổi này, các em thích hướng tới cái mới, luôn luôn hoạt động. Thấy cái gì khác thường sẽ tò mò, hưởng ứng. Kiểu nói lái, nói lóng phù hợp với tính vui vẻ của trẻ con. Với những em học giỏi, năng lượng của “tính tích cực” thường được hướng vào việc tìm tòi cái mới trong nội dung học tập.

Tuổi học trò chủ yếu gói gọn trong hai hoạt động chính là học tập và giao tiếp với bạn bè. Trong thế giới riêng với bạn bè, các em có tâm lý “nói sao chả được”, chẳng cần chính tả, chẳng cần chuẩn mực. Điều này, xét một mặt nào đó có thể tạm chấp nhận. Nhưng nếu lặp đi lặp lại sẽ chuyển hóa thành hành vi giao tiếp ra những lĩnh vực khác, đối tượng khác.

Với những em không nói lái, nói lóng, nói tục nhưng nghe nhiều từ bạn bè cũng dễ bị ảnh hưởng. Bởi con người vốn có tâm lý ảnh hưởng lẫn nhau. Hoặc không, sẽ có xu hướng dễ dãi chấp nhận khi nghe những lời không hay trong giao tiếp.

Làm thế nào để hạn chế thực trạng học  sinh “bóp méo” tiếng Việt, thưa thầy?

Đã đến lúc chúng ta nhắc lại vấn đề “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Việc làm này đã được thực hiện nhiều năm trước, nhưng nay dường như đang bị lãng quên. Không chỉ những người làm công tác Đoàn, Đội mà mỗi người trong chúng ta cần phải có thái độ phản ứng trước những lời nói không hay của học sinh. Nếu không thể ân cần, tận tâm chỉnh sửa thì chỉ cần một cái nhíu mày để thấy chúng ta không đồng lõa hoặc không dễ dãi tiếp nhận kiểu tiếng Việt “chế” đó. Bây giờ các em nói sai, mai mốt đi làm viết đơn xin việc sai chính tả, làm văn bản công sở nhưng đọc còn phải… dịch, nghe cứ cà giật.

Xin cảm ơn thầy.

 

Đưa trò chơi truyền hình vào trường học

Tại Trường THCS Kim Đồng, những trò chơi trên truyền hình được đưa vào nhà trường, giúp học sinh vừa biết tích lũy kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng nói chuyện, giao tiếp. “Rung chuông gió” (Theo chương trình Rung chuông vàng), “Đấu trường 30” (Đấu trường 100). “Hãy chọn cho đúng” (Hãy chọn giá đúng), hay “Chiếc nón kỳ diệu”… mỗi lần chương trình được “phát sóng”, cả sân trường như muốn nổ tung trong tiếng reo hò.

Theo thầy Đặng Ngọc Lam, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Kim Đồng, dù mỗi cuộc thi chỉ hạn chế số lượng thí sinh, nhưng công tác tổ chức khán giả cùng tham gia là cực kỳ quan trọng. Ban tổ chức dành nhiều câu hỏi kêu gọi sự hưởng ứng của khán giả, đặc biệt lưu ý những đối tượng học sinh không thuộc dạng ưu tú. Không thể để tình trạng hay thì học sinh ngồi xem, dở thì học sinh bỏ về, nên nhà trường đã thiết kế chương trình theo kiểu “đầu cũng như đuôi” (hấp dẫn từ đầu đến cuối chương trình).

Ngoài việc đưa những trò chơi trên truyền hình vào học đường, thầy Đặng Ngọc Lam còn cho biết thêm: “Nhà trường thường xuyên định hướng cho các em tiếp cận với Blog, game… Đồng thời, chúng tôi sưu tập những mẩu chuyện hay về lời ăn tiếng nói để trao đổi với học sinh trong giờ chào cờ”.

 

Bài và ảnh: THU HOA
;
.
.
.
.
.