Nói đến chuyện học đường, các cơ quan truyền thông và nhất là phụ huynh luôn quan ngại về sự quá tải của chương trình, làm cho học sinh chịu nhiều áp lực, nhất là đối với học sinh bậc THCS. Nếu được cha mẹ thường xuyên theo dõi việc học hành của mình và bản thân các em có ý thức, thì việc học đạt kết quả tốt.
Những em chưa ý thức tầm quan trọng của việc học tập, cha mẹ thiếu sự quan tâm, phó thác cho nhà trường, bị bạn bè lôi kéo, cuốn hút vào những trò chơi không bổ ích… thì sẽ dẫn đến sa sút việc học, có nhiều trường hợp khi cha mẹ phát hiện - mọi việc đã quá trễ. Đây cũng là nguyên nhân xảy ra tình trạng nhiều học sinh bỏ học. Vậy đâu là giải pháp khắc phục?
Kỳ nghỉ hè và việc học của học sinh THCS
Các loại truyện tranh không bổ ích cho việc học |
Trong tâm tư, nguyện vọng của mỗi học sinh là mong sao việc học ở trường nhanh qua hết chương trình học kỳ 2 để các em có được kỳ nghỉ hè, thư giãn sau 9 tháng học tập vất vả ở trường. Tuy nhiên, do kết quả - chất lượng học tập của một số học sinh THCS thuộc diện trung bình, yếu, không theo kịp chương trình của năm học, mất căn bản ở các môn học như toán, lý, hóa, ngoại ngữ…, nếu cha mẹ kịp thời đánh giá đúng tình hình học tập của con em mình thì có thể nhờ giáo viên (hoặc sinh viên có kinh nghiệm) kèm cặp, nhằm bổ khuyết những phần yếu, mất căn bản. Nếu phụ huynh quan tâm đúng mức, người dạy kèm và nhất là bản thân học sinh chuyên cần ôn tập trong thời gian nghỉ hè, các em sẽ không bị hổng kiến thức khi vào năm học mới.
Trước đây, cuối năm học lớp 7, các em Nguyễn Văn Linh (Trường THCS Lê Lợi), Phạm Phú Tâm (Trường THCS Lý Thường Kiệt) do ham bóng đá nên đã mất căn bản môn toán, môn tiếng Anh. Ở lớp, các em nhận thấy mình thua kém các bạn, bị mặc cảm, lười biếng, rồi có biểu hiện chán nản học tập. Vừa kết thúc năm học, cha mẹ kịp thời tìm người kèm cặp các em trong 3 tháng hè để hai em Linh và Tâm nắm bắt được phần chương trình của lớp 6 và lớp 7. Mặt khác, để tránh bị bạn bè cũ ham chơi, lôi kéo, gia đình chuyển các em đến học tại một trường khác, nhờ đó, khi lên lớp 8, các em hiểu được bài giảng, có ý thức vươn lên, thay đổi phong cách học tập. Từ học sinh trung bình ở lớp 7, hai em trở thành học sinh giỏi năm lớp 9 và đạt điểm vào lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh.
Cần thấy rằng, khi các em mất căn bản các môn toán, ngoại ngữ ở lớp 6, 7 thì người dạy dễ giúp các em lấy lại căn bản, thời gian thuận lợi nhất là phải bắt đầu từ mỗi đầu kỳ nghỉ hè. Đối với học sinh mất căn bản ở chương trình lớp 8, nếu có đủ 3 tháng hè để ôn tập và có sự quyết tâm lớn của ba thành viên là người dạy - học sinh - cha mẹ thì có thể đạt kết quả. Ngược lại, nếu 3 tháng hè qua đi, các em sẽ không có thời gian để học lại chương trình những lớp trước, trong khi học chương trình lớp 9 thì không hiểu bài giảng, học một cách thụ động, dẫn đến chán nản, bỏ bê việc học. Cho dù học sinh thuộc diện này đủ điểm lên lớp, đủ điều kiện tốt nghiệp bậc THCS thì con đường học vấn cũng khó đến nơi đến chốn ở bậc THPT.
Cha mẹ luôn phải theo sát con cái
Trò chơi game ở quán Internet đang thu hút và lãng phí thời gian của học sinh bậc THCS. |
Hiện nay, có nhiều học sinh lãng phí thời gian để chơi game online tại các quán Internet, xem các loại truyện tranh không có nội dung bổ ích, khi về nhà lại bị cuốn hút vào chương trình bóng đá, phim bạo lực trên các kênh truyền hình… làm cho các em dễ dàng xao lãng việc học hành. Mặt khác, ngành GD-ĐT phân bố thời lượng một tiết học là 45 phút, trong khi giáo viên cần có từ 10-15 phút để kiểm tra bài, 30 phút còn lại rất khó có thể đi sâu vào thực hành, giải các bài tập mẫu ở những môn học toán, lý, hóa, ngoại ngữ, tập làm văn ở lớp… Từ đó, hầu hết học sinh THCS buộc phải đi học thêm. Những học sinh chưa ý thức, thì việc đi học thêm là cơ hội để đi chơi điện tử, nói dối cha mẹ, hình thành mầm mống không ham học và dễ trở thành học sinh hư. Yếu tố này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học nhiều.
Từ những vấn đề nêu trên, nếu cha mẹ không quyết tâm theo sát, dạy dỗ con cái, phó thác cho nhà trường theo kiểu “trăm sự nhờ thầy, nhờ cô” thì con cái sẽ khó đạt kết quả tốt trong việc học tập, chiếc chìa khóa học vấn xa dần với tuổi học trò. Do vậy, mỗi gia đình phải có trách nhiệm với con cái, có sự đầu tư công sức, kinh phí để mỗi học sinh đều có được một kiến thức căn bản làm nguồn lực thúc đẩy các em học sinh nên người và thành công ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để xã hội giảm dần số lượng thanh-thiếu niên hư.
Bài và ảnh: QUANG MINH