.

Những kinh nghiệm để làm bài thi tốt nghiệp THPT đạt hiệu quả cao

.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008 được tổ chức vào các ngày 28, 29 và 30 tháng 5-2008, với 6 môn thi gồm: Văn, toán, ngoại ngữ, vật lý, sinh học, lịch sử; trong đó, các môn: Ngoại ngữ, vật lý, sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm.

Để giúp học sinh có kết quả tốt trong kỳ thi, chúng tôi xin giới thiệu những gợi ý cách làm bài của những giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và các học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi năm học 2006-2007.


* Cô Lê Thị Thủy, tổ trưởng tổ sinh, Trường THPT Thái Phiên: 

Đề thi trắc nghiệm môn sinh có 40 câu. Trong quá trình ôn thi, học sinh cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa để hiểu và vận dụng giải thích các hiện tượng thực tế, bài tập. Thật ra, hình thức thi trắc nghiệm có nhiều yêu cầu cao hơn so với hình thức thi tự luận.

Thế nhưng, lâu nay học sinh thường cho rằng thi trắc nghiệm không cần học, chỉ cần đánh dấu các câu trả lời theo kiểu hên, xui. Mỗi một câu hỏi trong đề thi có 4 đáp án a, b, c, d có nội dung gần giống nhau, nhưng trong đó chỉ có một đáp án đúng. Bởi vậy, học sinh cần nắm chắc kiến thức để xác định đâu là đáp án đúng. Trong quá trình ôn thi, các em cần học kỹ và hiểu các khái niệm, định nghĩa, công thức...; hệ thống hóa kiến thức đại cương, để từ đó đi vào từng phần, từng chương, từng bài.


* Cô Đỗ Thị Cẩm Nhung, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Phan Châu Trinh:

Thông thường trong đề thi môn Ngữ văn có 3 câu hỏi gồm phần văn học nước ngoài và văn học Việt Nam. Đối với phần văn học nước ngoài thì thường là câu hỏi lý thuyết. Đây là phần dễ “ăn” điểm, học sinh cần nắm rõ về các tác giả, nội dung tác phẩm, những vấn đề nhỏ trong tác phẩm.

Đối với văn học Việt Nam, các em học thuộc tác phẩm thơ, các dẫn chứng tác phẩm văn xuôi để làm tư liệu trong quá trình phân tích, chứng minh tác phẩm. Trước khi làm bài nên lập sơ dàn ý trong đầu hoặc trong giấy nháp để quá trình làm bài không bị quên ý và viết sẽ chặt chẽ hơn. Dù câu hỏi mang tính lý thuyết hay câu hỏi phân tích, bình luận, chứng minh... về tác phẩm, muốn đạt điểm tối đa thì trong bài làm phải trình bày đủ cả ba yếu tố: Mở bài, thân bài và kết luận. Đây được xem là phần điểm kỹ năng của học sinh.


* Bùi Đức Thắng, cựu học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đoạt Huy chương vàng kỳ thi Olympic vật lý quốc tế lần thứ 38 tổ chức tại Iran năm 2007:

Đề thi trắc nghiệm môn vật lý có 40 câu hỏi, thời gian làm bài có hạn. Thí sinh phải bình tĩnh trong khi làm bài, bỏ ra ít thời gian đọc đề. Câu nào dễ làm trước, câu nào khó thì đánh dấu ở giấy nháp và làm sau. Việc ôn tập phải tuân thủ theo sách giáo khoa, nắm vững và hiểu kiến thức.
 
 
Ngoài ra, tìm các mẫu đề thi trắc nghiệm của Bộ Giáo dục-Đào tạo để tự giải nhằm nâng cao khả năng tư duy. Quá trình giải thử đề phải nghiêm túc thực hiện đúng thời gian cho phép của đề. Theo mình nghĩ, việc làm thật nhiều bài tập với nhiều dạng khác nhau sẽ giúp hình thành thói quen tính toán, kinh nghiệm xử lý nhanh nhạy các vấn đề trong quá trình làm bài thi.  (Còn nữa)

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN
;
.
.
.
.
.