>> Kinh nghiệm làm bài thi môn Ngữ văn, Sinh học, Vật lý
Cô Trần Thị Hoa, tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT bán công Ngô Quyền:
Quá trình làm bài, học sinh phải đọc thật kỹ đề, ghi sự kiện, vấn đề, mốc thời gian mà đề yêu cầu ra giấy nháp. Lập dàn bài trong vài phút rồi hãy làm. Thuộc câu nào làm trước câu đó. Đối với kỳ thi tốt nghiệp, yêu cầu của đề không cao so với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, bởi vậy, đề thi hỏi vấn đề gì thì trả lời vấn đề đó, không nên trả lời lung tung sẽ làm mất thời gian làm bài cho những câu hỏi khác.
Cô Phạm Thanh Dung, tổ trưởng tổ ngoại ngữ, Trường THPT Phạm Phú Thứ:
Trong từng câu hỏi của đề thi, học sinh đọc kỹ để xác định đúng các từ đồng âm, khác nghĩa. Về phần ngữ pháp, đề thi trải đều các câu hỏi về đặc điểm ngữ pháp, thì, mệnh đề, câu điều kiện, các từ nối, lỗi trong câu. Để làm tốt phần này, trước hết các em cần phải xác định cấu trúc của câu, dạng thì, rồi tìm ra câu trả lời chính xác. Trường hợp, học sinh có sức học trung bình yếu thì khi làm bài chọn câu dễ làm trước, còn những câu quá khó thì làm theo cách phán đoán.
Nguyễn Bá Kiên, cựu học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn, thủ khoa ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2007, với tổng số điểm là 29,5, trong đó môn hóa 10 điểm, lý 10 điểm và toán 9,5 điểm:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, môn toán vẫn thi theo hình thức tự luận. Theo mình nghĩ, đề thi chỉ đòi hỏi thí sinh nắm vững các kỹ năng cơ bản đã học trong nhà trường.
Muốn làm bài tốt thì phải nắm kiến thức cơ bản, công thức, định lý, định nghĩa trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, siêng giải bài tập sẽ giúp thí sinh làm quen được nhiều dạng đề, rèn luyện các kỹ năng tính toán, nâng cao khả năng tư duy. Mỗi một bài toán có nhiều cách giải và có những cái hay riêng, giải càng nhiều bài tập sẽ có kinh nghiệm đối với người học.
Trong quá trình làm bài thi cần hết sức bình tĩnh đọc kỹ đề, không nên vội vàng, câu hỏi nào dễ thì làm trước, câu hỏi nào khó làm sau và chú ý bố trí thời gian làm bài phù hợp.
NGỌC ĐOAN