Sau hơn 7 năm áp dụng chính sách chiêu hiền đãi sĩ, Đà Nẵng đã thu hút một đội ngũ nhân sĩ tương đối khá. Tuy nhiên, trước áp lực thị trường lao động hiện nay, chính sách đó đang cần bổ sung thêm những giải pháp mới mới có thể phát huy hiệu quả gây dựng nguồn nhân lực cho địa phương.
Đà Nẵng sẽ áp dụng thêm nhiều giải pháp thu hút và giữ nhân tài. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng nhấn mạnh, những kết quả thu hút nhân tài, tạo nguồn nhân lực của địa phương trong mấy năm qua là khá cụ thể và khả quan. Căn bản nhất, qua chính sách này, Đà Nẵng đã tạo một ấn tượng “thương hiệu” với nhiều nhân lực trẻ, những người có thực tài đang tìm kiếm cơ hội cho mình. Con số hơn 500 thạc sĩ, sinh viên khá giỏi quy tụ về cho đến nay đã chứng minh điều ấy. Trong đó, qua tuyển lựa và triển khai hỗ trợ đào tạo, đến tháng 9-2008 này, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ có 100 thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp từ nước ngoài trở về làm việc.
Tuy nhiên, mời được người tài về chỉ là bước đầu. Giữ được nhân tài, phát huy năng lực của họ vào công cuộc kiến thiết xây dựng thành phố mới là vấn đề cốt lõi. Ông Ngữ thừa nhận, lâu nay vẫn có một “độ ỳ” nhất định trong việc phối hợp thực hiện giữa UBND thành phố, Sở Nội vụ và các cơ quan hành chính trên địa bàn, trong đó, trách nhiệm chính thuộc về các thủ trưởng đơn vị, vốn là người quản lý cao nhất về chính sách nhân tài tại các cơ quan. Một khi lãnh đạo thờ ơ, các bộ phận tham mưu sẽ bỏ sót nhiều trường hợp cần tiếp tục đốc thúc, hỗ trợ chế độ đãi ngộ.
Đó là chưa kể trường hợp nhân lực giỏi được phân bổ vào các vị trí không hợp lý, bị giao quá nhiều việc trong khi chính sách chế độ không giữ vững. Cá biệt có hiện tượng nhân tài trẻ lại bị chính các đồng sự đi trước gây khó khăn, tạo áp lực tâm lý. Do đó, thời gian qua đã nảy sinh tình trạng nhiều nhân lực giỏi, cán bộ trẻ xin chuyển công tác, bỏ vị trí đã được điều động, mời về để tìm cơ hội nơi khác tốt hơn.
Ông Ngữ khẳng định, để thay đổi tình hình này, Sở Nội vụ đang lên kế hoạch trình một số chính sách mới áp dụng cho các đối tượng nhân tài, sinh viên khá giỏi, trước mắt đã có 3 đề xuất với thành phố. Một là sẽ xem xét thực hiện tuyển dụng cán bộ vào luôn trong bộ máy hành chính từ nguồn cán bộ trẻ, sinh viên giỏi có năng lực, không qua thi tuyển công chức định kỳ nữa. Hai là tổ chức thí điểm tuyển dụng, bố trí cán bộ trẻ vào ngay các vị trí quản lý cần thiết, mạnh dạn giao trách nhiệm cho nhân tài giỏi để tạo cơ hội khẳng định năng lực cho họ. Một chế độ lương, thưởng, phụ cấp hợp lý cho các trường hợp này cũng sẽ được nghiên cứu trong khung cơ chế khoán quỹ lương ở các cơ quan, đơn vị. Ba là Sở Nội vụ sẽ tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ảnh của đối tượng nhân tài tại các cơ sở để tiếp tục củng cố, kiến nghị điều chỉnh các cơ chế đãi ngộ hợp lý và tích cực hơn. Ba vấn đề này được thực hiện sẽ cơ bản giải quyết các vướng mắc trong quan hệ giữa các đơn vị hành chính và nhân tài lâu nay, tạo tiền đề để thành phố tiếp tục mở rộng những yêu cầu đãi ngộ, tăng cường chính sách thu hút, giữ nhân tài trong thời gian đến.
Điều đáng lưu ý ở đây, theo ông Ngữ, là cần có sự nhận thức hợp lý ở các đối tượng nhân tài về môi trường đãi ngộ trong đó, vấn đề biên chế cần phải được các cán bộ trẻ nhìn nhận đúng hơn. Thực tế đến nay, cơ chế khoán lương và áp dụng các chính sách lao động khác tại các cơ quan hành chính đã xóa đi ranh giới phân biệt đãi ngộ trong và ngoài biên chế. Mọi lao động dài hạn được ký hợp đồng chính thức cũng đã được đảm bảo các chế độ như trong biên chế, như được xem xét học tập bồi dưỡng sau 2 năm làm việc...
Mặt khác, chính cơ chế khoán lương hiện đang tỏ ra tích cực bởi nó tạo áp lực điều hành rất lớn cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Một số đơn vị quận, phường... đến nay đã đánh giá đúng hơn về vai trò cán bộ trẻ và nhu cầu nhân lực nội bộ do sức ép hiệu quả công việc, nên thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện cho các đối tượng đãi ngộ được nhận các chính sách phát triển tốt hơn. Đây là nền tảng để Sở Nội vụ tin tưởng trong thời gian đến, các giải pháp đề xuất giữ nhân tài sẽ nhận được sự đồng hưởng của các cơ quan đơn vị, tạo nên sự thống nhất hơn về cơ chế thu hút nhân tài ở địa phương.
|
|
THỤY BẤT NHI